Suy nghĩ về Luật tâm thức – khi tà kiến lên ngôi

Nguồn ảnh: internet

(Bài full)

Cách đây gần chục năm, các khóa học làm giàu được mở nhan nhản. Sau một thời gian dài ứng dụng những kiến thức đã học mà mãi chưa giàu, thậm chí có người còn nợ nần đầm đìa (vì ông bà ta đã đúc kết: “Cho bạc cho vàng, không ai trỏ đàng đi buôn”), người ta bắt đầu hoài nghi bản thân và tìm đến tâm linh như một cách lý giải cho sự thất bại của mình. Có cầu thì ắt có cung, những “coach tâm linh”, các “bậc giác ngộ”, những nhà thôi miền hồi quy tiền kiếp, những cuốn sách tâm linh… xuất hiện và chạy quảng cáo trên fb như nấm sau mưa.

Tôi thấy vài người bạn (chơi hệ tâm linh) ca ngợi cuốn Luật Tâm Thức trên trang cá nhân, rồi cuối tháng trước, có một bạn đề xuất tôi nên đọc cuốn này, nhưng tôi chưa có thời gian đọc. Nay bỗng nhiên bị mắc dịch (covid), tôi được nghỉ ngơi một thời gian nên đủ duyên để đọc và review nó.

Nhận xét chung: nội dung cuốn Luật Tâm Thức tập hợp nhiều kiến thức về tôn giáo, tâm linh, tâm lý, vật lý, toán học, sinh học, đông y, kinh dịch… nhằm lý giải những bí ẩn trong cuộc sống một cách khoa học, tuy nhiên có nhiều lập luận rất thiếu logic, võ đoán, thậm chí là dẫn nguồn tin giả…

Trước đây, tôi đã được đọc một số tài liệu về các mẫu hình trong tự nhiên nên nội dung về những mẫu hình không lạ đối với tôi. Cái tôi ấn tượng nhất ở cuốn sách này là: mục nhân tướng, mục thôi miên hồi quy tiền kiếp, và trái đất 5D.

Mục nhân tướng thì nói chẳng khác gì các sách dạy xem tướng ba xu bán dạo ngoài đường, tôi không ngờ nó lại được đưa vào một cuốn sách có chất lượng in ấn tốt như vậy. Tác giả viết: “Chỉ cần quan sát một số tướng cơ bản dưới đây, bạn có thể hiểu sâu sắc nội tâm của một người.” Chỉ là trò “trông mặt mà bắt hình dong”, nếu dùng để tham khảo đối chiếu thì còn nghe được, đằng này tác giả lại khẳng định “có thể hiểu sâu sắc nội tâm” thì đích thị là phán xét và áp đặt một cách hồ đồ. Tác giả dùng hình vẽ chính khuôn mặt của mình để minh họa cho khuôn mặt của người có tâm thức phát triển (trang 180)! Tôi thấy kiểu “mèo khen mèo dài đuôi” này rất thiếu khách quan (và hơi trơ trẽn). Tôi không cần tác giả đưa ra bằng chứng khoa học, tôi chỉ cần tác giả trình bày hợp logic với những lập luận đã nói trước đó, chứ không phải ngụy luận theo kiểu dán nhãn: tướng mũi như thế này là tâm thức phát triển, tướng mũi như thế kia là tâm thức chưa phát triển, tướng tai thế này là thông minh, tướng tai thế kia là trí tuệ kém…

Trang 210, tác giả lại cho rằng người tóc dài thì có khả năng sáng tạo, cảm nhận tốt hơn người tóc ngắn, nên giới nghệ sĩ thường để tóc dài (tác giả cũng là người để tóc dài!) Tôi cho rằng lý do một số nghệ sĩ để tóc dài vì nó thể hiện cho sự nổi loạn, phá cách, cá tính trong nghệ thuật… chứ chẳng liên quan gì tới năng lực sáng tạo và cảm nhận ở đây cả. Vì đâu chỉ những người làm nghệ thuật mới cần sự sáng tạo, mà trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng rất cần sự sáng tạo. Chỉ những người chưa từng nghiêm túc làm khoa học hoặc hiểu biết hời hợt về khoa học mới nghĩ rằng làm khoa học ít cần sự sáng tạo. Các bạn chỉ cần nhìn vào chiếc smartphone nhỏ bé đang cầm trên tay mình là nhận ra nó chính là sản phẩm đến từ năng lực sáng tạo của hàng ngàn bộ óc khoa học. Không hề hiếm những người tóc ngắn, đầu hói cho tới đầu trọc trong số những nhà khoa học nổi tiếng, người từng đạt giải Nobel, người nhận huy chương Fields, người sáng tạo ra các ngôn ngữ lập trình… (các bạn tự google tìm hình của những người này nhé.)

Sang mục kể về các ca thôi miên hồi quy tiền kiếp (thôi miên lượng tử) thì viết khá giống thể loại truyện tiên hiệp, xuyên không TQ. Trang 249, tác giả viết: “để có những bằng chứng khách quan, xác thực nhất, tôi sẽ trích dẫn rất nhiều thông tin từ nhưng ca thôi miên lượng tử, được thực hiện bởi những nhà thôi miên tại Việt Nam.”

Hệ giá trị của tác giả đang rất có vấn đề! Không thể coi những ca thôi miên hồi quy tiền kiếp là “khách quan” và “xác thực” được, một chút cũng không, vì nó chỉ là trải nghiệm tâm linh của mỗi cá nhân, nó không y như nhau với tất cả mọi người. Mặt khác, khi rơi vào trạng thái thôi miên, chủ thể không phân biệt được những gì mình thấy có đúng là của kiếp trước hay do não tự tưởng tượng ra, thậm chí là do chuyên gia thôi miên “mớm” ký ức giả vào.

Trang 124, tác giả viết:

“Khi chúng ta hiểu rằng, chính chúng ta là một thành phần của Đấng Tạo hóa, đang sáng tạo ra thực tại sống của mình, thì việc cầu xin những Đấng Tạo hóa cấp độ cao hơn (Thần, Phật, Chúa…) giải quyết vấn đề cho chúng ta là vô nghĩa.”

Nhưng nội dung trong các ca thôi miên hồi quy tiền kiếp lại cho thấy điều ngược lại: rất nhiều người đã cầu xin đấng giải quyết các vấn đề cho mình, và đấng cũng rất dễ tính, hễ cầu xin là là “ban phát” ngay:

  • Muốn mời vong của người thân → xin đấng giúp.
  • Muốn chuyển kiếp cho vong → xin đấng giúp.
  • Muốn dẫn vong về nhà → xin đấng giúp.
  • Muốn chữa lành cho chính mình → xin đấng giúp.
  • Muốn tìm một mảnh hồn đang thất lạc → xin đấng giúp.
  • Bị vong theo phá → xin đấng giúp.
  • Muốn vong theo mình được siêu thoát → xin đấng giúp.
  • Bị yểm bùa → xin đấng giúp.

Hóa ra chủ thể chẳng những xin được cho linh hồn của mình mà còn xin hộ được cho những linh hồn khác!

Trang 382, tác giả viết:

“Điều đáng buồn là con người không chịu học, mà chỉ muốn cầu xin sức mạnh từ những vị thầy. Đó là điều đã xảy ra trong suốt lịch sử: Cứ khi nào có vị thầy đến Trái Đất, một thời gian sau tôn giáo ra đời. Khi đó, con người không học theo lời hướng dẫn từ những vị thầy mà đúc ngẫu tượng rồi quỳ lạy họ, cầu xin sức mạnh, coi họ như những vị thánh. Hệ quả là con người không chịu học bài học của mình, tâm thức con người không tiến hóa mà còn suy đồi hơn!”

Chẳng phải các ca thôi miên hồi quy tiền kiếp được tác giả kể thể hiện rõ ràng một điều: cầu xin sự giúp đỡ của các đấng rất dễ dàng và hiệu quả hay sao? Tác giả đã chỉ trích việc cầu xin sự giúp đỡ của các đấng, rồi lại kể ra những câu chuyện các đấng làm công việc cứu độ chữa lành mỗi khi được chúng sanh cầu xin! Tất cả những lời cầu xin này đều do các chuyên gia thôi miên dẫn dắt, xúi giục, hướng dẫn chủ thể xin. Cuối sách, tác giả còn cung cấp cho chúng ta thông tin liên hệ của những chuyên gia thôi miên này. Mâu thuẫn quá! Tác giả làm thế thì khác nào mở đường cho chúng ta tìm đến sự cầu xin?

Cũng tại trang 124, tác giả viết:

Các Đấng Tạo hóa tôn trọng tự do lựa chọn của mọi chúng sinh. Họ không phải là những thực thể ban phát cho chúng ta vật chất, tiền tài, hạnh phúc, mà chỉ đem đến cho chúng ta sự hiểu biết, những bài học để con người tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Nhưng câu chuyện trong một ca thôi miên hồi quy tiền kiếp do chính tác giả kể ra lại cho thấy điều ngược lại: các đấng không tôn trọng sự lựa chọn của linh hồn, trang 340-341 mô tả cảnh các đấng đã xích một ác linh lại, sửa “bản hợp đồng linh hồn” của nó, và ép nó phải ký lại hợp đồng để trở thành người lương thiện. Vậy là “tôn trọng” dữ chưa? Các đấng đã làm một điều nhị nguyên y chang con người: muốn có thiện mà không có ác! Nó mâu thuẫn với luật cân bằng được nói ở trang 129.

Ở trang 286, tác giả cũng viết:

“Khi linh hồn có nhận thức tiến hóa hơn, hiểu thấu nhiều khía cạnh của cuộc đời, sự phân chia thiện ác sẽ giảm dần và chấm dứt. Lúc đó, bạn sẽ hiểu rằng tự nhiên luôn luôn là sự tồn tại đan xen giữa âm dương, tốt xấu, thiện ác, không có ranh giới rõ ràng, không tách biệt trắng đen. Chối bỏ cái xấu đồng nghĩa với chối bỏ cái tốt; tập trung vào cái tốt cũng sẽ âm thầm đem đến cái xấu.”

Vậy hóa ra nhận thức các các đấng vẫn chưa tiến hóa ư? (Ít nhất là chưa tiến hóa bằng nhận thức của tác giả.)

Tôi chợt nhớ đến mấy câu của Trang Tử:

“Muốn có Phải mà không có Quấy, muốn có trị mà không có loạn là chưa rõ cái Lý của Trời Đất, ấy là mơ tưởng Trời mà không có Đất, Âm mà không có Dương, hai phương diện đồng có của mỗi vật.
Muốn phân biệt hai lẽ tương đối ấy như hai vật khác nhau, nếu không phải là ngu thì là điêu.”

(Một nghệ thuật sống – Nguyễn Duy Cần)

Ở trang 95-96, giải thích cho sự biến mất bí ẩn của hàng loạt tàu thuyền, máy bay ở khu vực Tam giác quỷ Bermuda, tác giả cho rằng trong vùng biển này có từ trường khác thường tạo ra một cổng dịch chuyển không-thời gian khiến các phương tiện bị hút vào và chuyển đến một chiều không gian khác. Có lẽ tác giả Ngô Sa Thạch không biết rằng những tin tức về tàu bè, máy bay mất tích ở Tam giác Bermuda chủ yếu là huyền thoại. Chúng được thêu dệt ra cho giật gân để bán sách, báo, tạp chí. Số lượng tàu thuyền và máy bay được báo cáo là đã mất tích trong khu vực này không đáng kể khi so sánh với lưu lượng phương tiện tấp nập đi ngang qua nó (so cả với những phần khác của đại dương tính theo tỉ lệ). Chi tiết bài viết về bí ẩn Tam giác quỷ Bermuda ở đây: Sao không đưa rác ra Tam giác quỷ để nó… tự biến mất?

Ở trang 112 – 113, tác giả nói về một thiết bị tên là Nazi Bell được chế tạo bởi Đức Quốc xã có khả năng tạo ra một cổng dịch chuyển tức thời để du hành không – thời gian. Có lẽ tác giả Ngô Sa Thạch không biết rằng Nazi Bell chỉ là một thiết bị hư cấu được tác giả người Ba Lan Igor Witkowski bịa ra vào năm 2000. Sau đó, nó đã được một loạt các tác giả khác thêm mắm dặm muối vào mới thành cái hình như trong sách. Hoàn toàn không có bản ghi chép nào từ các bên trong cuộc chiến, thậm chí là ám chỉ đến sự tồn tại của bất kỳ thứ gì gần giống nó. Link chi tiết: Nazi bell – thiết bị du hành thời không của Đức Quốc xã

Trang 113-114-115, tác giả kể về nội dung trong một video thẩm vấn người ngoài hành tinh lan truyền trên Youtube. Tác giả cho rằng cho rằng sự hiểu biết của sinh vật này rất sâu sắc, nằm ngoài tầm hiểu biết thông thường của con người… Có lẽ tác giả Ngô Sa Thạch không biết rằng phần hình ảnh trong video đó được dựng bằng CGI, những đoạn hỏi đáp được dàn dựng theo kịch bản, nó chỉ là trò chơi khăm của một nghệ sĩ kỹ xảo điện ảnh người Canada tên là Aristomenis Tsirbas. Link chi tiết về vụ chơi khăm này: Video phỏng vấn người ngoài hành tinh (dự án Blue Book) và sự thật

Ở trang 217, để chứng minh cho sự tồn tại của cái gọi là “trường năng lượng linh hồn”, tác giả đã dẫn chứng một thí nghiệm khoa học tên là “hiệu ứng con khỉ thứ 100”. Có lẽ tác giả Ngô Sa Thạch không biết rằng đây chỉ là một giai thoại ngụy khoa học, hay nói cách khác, đó là “tin giả”. Để biết chi tiết, các bạn có thể đọc bài viết: Sự thật về “Hiệu ứng con khỉ thứ 100”.

Ngoài ra, trong suốt cuốn sách, thỉnh thoảng tác giả lại đưa ra một vài nhận định, kết luận hoặc lời khuyên rất ngô nghê, mâu thuẫn:

“Người nào lọc bỏ được tất cả hệ thống niềm tin sẽ không thể bị tác động hay kích động bởi bất kỳ tác nhân bên ngoài nào. Đây chính là trạng thái ‘tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến’.” (trang 228)

Đây là một kết luận mâu thuẫn. Lọc bỏ hết hệ thống niềm tin là một điều cực kỳ khó vì có nhiều niềm tin đã ăn sâu vào tiềm thức. Bạn phải tin vào một điều ABC gì đó thật mãnh liệt thì mới quyết tâm lọc bỏ hệ thống niềm tin. Vậy cuối cùng bạn vẫn cứ tin vào cái điều ABC đấy. Chẳng qua chỉ là sự lựa chọn: bạn buông chỗ này để chụp chỗ kia. Nếu bạn tin vào cuốn sách này, và tìm cách lọc bỏ hết hệ thống niềm tin như sách khuyên thì bạn vẫn cứ tin vào sách đấy thôi. Tác giả khuyên người khác nghe hay ho thế thôi, nhưng chính bản thân tác giả cũng đang bám chấp vào một hệ thống niềm tin sai lầm và đầy mâu thuẫn nên tôi mới có cơ hội viết ra bài review này.

Chưa hết, trang 137-144, tác giả nói về luật hấp dẫn và những lời khuyên về cách vận dung luật hấp dẫn. Theo tác giả, luật hấp dẫn là một trong những luật cơ bản của vũ trụ, chi phối mọi sự vật – hiện tượng trong vũ trụ. Tôi thắc mắc là giả sử có một người không có hệ thống niềm tin nào thì làm sao vận dụng được luật hấp dẫn? Làm sao chịu sự chi phối của luật hấp dẫn?

Trang 187, tác giả khuyên để có sức khỏe tốt, cần ăn uống cân bằng theo âm dương ngũ hành của phương Đông.
Trang 197, tác giả lại khuyên ăn uống cân bằng theo công thức kinh điển 40/30/30 của phương Tây.
Trang 198, tác giả chốt lại là phải ăn uống cân bằng theo cả 2 phương pháp trên cùng lúc!

Tôi cho rằng lời khuyên ăn uống này gần như bất khả thi. Mỗi phương pháp ăn uống có một hệ quy chiếu riêng, nếu ăn cân bằng theo phương pháp này thì sẽ lệch chuẩn với phương pháp kia. Không biết thực đơn hàng ngày tác giả áp dụng cho chính mình như thế nào mà lại đưa ra lời khuyên “khó sống” như vậy?

Trang 305, tác giả viết:

“Nếu bạn cảm thấy cuộc đời càng tiêu cực, có nghĩa là tâm thức của bạn bị giam cầm trong càng nhiều hệ giá trị khác nhau. Ngược lại, vẫn cùng môi trường đó, nếu bạn không có hệ giá trị nào, bạn sẽ không cảm thấy có bất kỳ điều gì làm bạn tiêu cực được cả. Lúc đó, bạn sẽ học được cách tôn trọng, yêu thương vạn vật. Bạn sẽ chỉ tập trung tâm thức của bạn tới những điều tốt đẹp nhất.

Lại một lời khuyên mâu thuẫn nữa: câu sau đá câu trước, nếu “không có hệ giá trị nào” thì căn cứ vào đâu để bạn phân biệt được đâu là điều xấu, đâu là “những điều tốt đẹp nhất” để “tập trung tâm thức của bạn” vào đó như tác giả khuyên?

Có lẽ tác giả đã quên ở trang 286 chính tác giả đã viết:

“tập trung vào cái tốt cũng sẽ âm thầm đem đến cái xấu”

Trang 54, tác giả đưa ra một nhận định rất lạ lùng:

Có thể tất cả những gì chúng ta đang nhận thức về thế giới là không có thật. Bạn có thể thấy cuốn sách này tồn tại nếu bạn nhìn chúng nhưng nếu bạn nhìn đi một hướng khác, cuốn sách này có thể không còn là vật chất nữa… mà tồn tại dưới dạng sóng vô hình. Chính ý thức của bạn là cái quyết định thực tại!

Nếu chúng ta không nhìn vào cuốn sách nữa thì nó vẫn cứ là vật chất thôi, chứ không hề vô hình nhé. Biết bao nhiêu trường hợp người ta thi công công trình rồi vô tình đào được cổ vật đã chôn dưới đất hàng thế kỷ. Những người làm ra món đồ ấy, từng sở hữu món đồ ấy, từng cầm nắm món đồ ấy… đã chết từ rất lâu, nhưng món đồ cổ ấy không hề vô hình, và người đào được nó cũng không hề có ý định tìm kiếm đồ cổ, vậy mà họ vẫn nhìn thấy nó đấy thôi. Tác giả viết “chính ý thức của bạn là cái quyết định thực tại”, vậy “cái thực tại bất ngờ đào được cổ vật” là do ý thức của ai quyết định?

Ở trang 286-287, tác giả cho rằng kiếp sống nghèo khó là do linh hồn chán chường cảnh sống sung sướng rồi, muốn được sinh ra trong nghèo khó để có những trải nghiệm mới, để học được những bài học mới, để phát triển tâm thức. Để chứng minh cho luận điểm này, tác giả dẫn chứng một ca thôi miên hồi quy tiền kiếp được thực hiện bởi “chị Hồng Ngân” và bảo rằng đó là “một ví dụ khách quan”! Nhưng ở trang 376, tác giả lại nói rằng:


“Tự do kinh tế đem lại một xã hội có đầy đủ việc làm cho con người. Người nghèo sẽ giảm xuống, tầng lớp trung lưu lớn mạnh hơn.”

Tự do kinh tế chỉ là biểu hiện của một xã hội tâm thức phát triển.

Tác giả nói vậy thì khác nào cho rằng “tự do kinh tế” sẽ ngăn cản ý muốn trải nghiệm kiếp sống nghèo khó của linh hồn, ngăn cản linh hồn học những bài học mới! Nếu linh hồn không được học những bài học mới thì làm sao phát triển được tâm thức? Tác giả tự mâu thuẫn với những điều mình đã nói.

Trang 314, tác giả đưa ra một nhận định khá ngô nghê:

“Trên thực tế, rất nhiều người nghèo khổ ngoài kia là những linh hồn tiến hóa. Bởi vì phải cần tới ý chí vô cùng mạnh mẽ, linh hồn mới có thể vượt qua được kiếp sống khó khăn đó. Nếu không, linh hồn sẽ dễ dàng tự kết liễu đời mình.”

Nếu “rất nhiều người nghèo khổ ngoài kia” thật sự có “ý chí vô cùng mạnh mẽ” thì họ đã sớm thoát khỏi cảnh nghèo khổ rồi. Bạn phải sống giữa cộng đồng những người nghèo để quan sát thói quen, tật xấu của họ, nghe họ kêu ca, so bì, yêu sách, mưu mẹo… mới hiểu được cách tư duy của họ, mới thấy rằng lý do mà gia đình họ nghèo chẳng có gì là bí ẩn tâm linh, mà rất hợp với luật nhân quả.

Trang 214 cũng có một nhận định rất chủ quan về trực giác:

“Trực giác là giác quan mạnh mẽ và cao cấp của con người. Nhiều khi, theo suy nghĩ logic thông thường, bạn biết một điều là không đúng nhưng linh tính của bạn mách bảo ngược lại. Trong đa số trường hợp, trực giác của bạn thành công.”

Tôi xin dẫn ra một ví dụ phản biện: Đố các bạn, nơi đâu người ta sử dụng nhiều trực giác nhất? Đó là nơi mà mỗi quyết định đưa ra thường dựa trên sự may rủi: CASINO. Những người chơi casino luôn biết được một nguyên tắc bất di bất dịch: “nhà cái luôn thắng”, thậm chí có hẳn một tập trong series phim tài liệu Giải mã tiền tệ (Netflix) giải thích rõ về cái thủ thuật “nhà cái luôn thắng”. Biết là thế, nhưng tại sao họ vẫn chơi casino? Vì trong đầu họ nuôi dưỡng cái trực giác “mình sắp thắng” và làm theo cái trực giác ấy, bỏ qua lời khuyên của lý trí. Kết quả cuối cùng “nhà cái luôn thắng” đã cho thấy trực giác đáng tin tới mức nào.

Có một nhận định khác cũng rất đáng suy tư ở trang 215:

“Cảm xúc con người chỉ là quá trình phản ứng máy móc của tâm trí với các sự kiện xung quanh.”

Đã là “phản ứng máy móc” thì nó phải rõ ràng, rạch ròi, nhưng các bạn có thấy rằng có những tình huống trong cuộc sống mà cảm xúc của ta ở trạng thái không biết buồn hay vui, không rõ là yêu hay ghét, không biết diễn giải thế nào, rất khó phân định. Nếu các bạn từng xem bộ phim tài liệu tên là AlphaGo – The Movie, bạn sẽ cảm nhận rõ điều này. Trước đây, các kiện tướng cờ vây luôn dễ dàng chiến thắng máy tính trong game cờ vây. Năm 2016, công ty DeepMind đã công bố một con AI biết chơi cờ vây tên là AlphaGo, và nó đã đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Sedol. Kết quả chung cuộc khiến cho những người lập trình nên AlphaGo không biết nên vui hay buồn khi chứng kiến cảnh AI chiến thắng con người. Bộ phim rất hay, bạn nào có thời gian thì xem nhé.

Ở cuối sách, trang 396 – 397 – 398, tác giả nói về sự kiện chuyển đổi từ trái đất 3D lên 5D sắp xảy ra:

“Thông qua cái chết, những linh hồn không đủ rung động sẽ chuyển đổi. Bởi vì tần số rung động của đa số nhân loại vẫn đang bị kẹt trong khoảng 2,7 – 3,45D, không đủ để đạt tới 5D, nên sẽ chỉ có rất ít linh hồn còn tồn tại ở Trái Đất trong những thập kỷ tiếp theo, đa số linh hồn sẽ di chuyển tới những cõi giới phù hợp hơn.
Sự chuyển đổi này không chỉ xảy ra với con người, mà với tất cả các linh hồn ở những tầng tâm thức khác. Những linh hồn động vật không đủ rung động sau những đợt cập nhật năng lượng của Trái Đất sẽ rời bỏ thân xác mà ra đi. Điều này lý giải những sự kiện các loài cá, chim… chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.”

Nghĩa là khi trái đất chuyển đổi năng lượng sang 5D, ai không nâng cấp mức rung động của linh hồn mình kịp thời thì sẽ “rời bỏ thân xác mà ra đi” (ai chưa biết trái đất 5D là gì thì đọc bài viết này của tôi: Trái đất 5D là gì?). Việc chim, cá chết hàng loạt, nếu có, là do dịch bệnh hoặc môi trường bị con người làm cho ô nhiễm. Nếu con người không lo bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường sống, cân bằng hệ sinh thái mà lo đi nâng cấp rung động lên 5D như tác giả khuyên, đến khi khi chim, cá chết hết thì liệu con người có tồn tại nổi không? Đến đây, tôi cần nhắc độc giả rằng khái niệm trái đất 3D, 5D chỉ là một giả thuyết tâm linh chưa được công nhận rộng rãi, nên không cần phải lo sợ. Có người còn cho rằng “Trái đất 5D” chỉ là một khái niệm do phần bản ngã tâm linh sinh ra để tự “thẩm du tinh thần”. Thế nhưng tác giả cứ dọa y như thật:

“Loài người không còn nhiều thời gian nữa, chúng ta đang ở ngưỡng rung động 4,95D và chỉ còn vài năm tới là bước sang chiều kích 5D. Đây là cơ hội cuối cùng rồi, mỗi người hãy chăm chỉ học những bài học của mình. Bởi vì sẽ rất nhiều, rất nhiều linh hồn phải chuyển đến những cảnh giới thấp hơn và có lẽ phải đợi rất lâu, khoảng hàng chục ngàn năm nữa mới có cơ hội để được làm con người một lần nữa.” (trang 397-398)

Nếu Cục xuất bản hoặc Bộ thông tin và truyền thông mà nắm được thông tin này thì có khả năng cuốn sách này sẽ bị thu hồi vì tung tin đồn nhảm gây hoang mang dư luận. Nếu “vài năm tới” mà không có hiện tượng con người bỗng nhiên lăn quay ra chết hàng loạt không rõ lý do thì khác nào tác giả tự vả vào mồm mình.

Có thể nói bản năng sinh tồn của con người là thứ bản năng mạnh mẽ nhất, những ai tin vào trái đất 5D sẽ tức tốc đi kiểm tra mức rung động của mình, và tìm mọi cách nâng cao mức rung động của mình lên để không bị chết… Bằng cách nào? Thật may, tác giả đã cung cấp cho độc giả một nguồn trợ giúp đắc lực:

“Trong quá trình chuyển đổi này, nhân loại sẽ nhận được sự trợ giúp từ những con người đã thức tỉnh, chính là những linh hồn đến từ những chiều kích rất cao. Đây là những người mang năng lượng tích cực, truyền đạt những thông điệp về tình yêu, Thượng đế. Họ đầu thai xuống Trái Đất với nhiệm vụ dẫn dắt và giúp đỡ cho nhân loại trên mọi lĩnh vực.” (trang 398)

Lật sang trang kế, bạn sẽ thấy thông tin liên hệ của “những con người đã thức tỉnh”: Danh sách những nhà thôi miên lượng tử Việt Nam (link fb, email, website, sđt). Đến đây, có lẽ bạn và tôi đã hiểu được mục đích chính của cuốn sách: là một cuốn brochure dạng đặc biệt để quảng cáo cho dịch vụ “thôi miên lượng tử”. Ngoài thôi miên ra, “những con người đã thức tỉnh” này còn cung cấp đủ thứ “dịch vụ tâm linh” đi kèm: bán tranh năng lượng, bán đá năng lượng, truyền năng lượng chữa lành, nâng cao tần số rung, ngắt kết nối với năng lượng xấu… Đừng ai ngây thơ nghĩ rằng “họ đầu thai xuống Trái Đất với nhiệm vụ dẫn dắt và giúp đỡ cho nhân loại” thì sẽ lấy giá rẻ nhé.

Tôi không biết “những con người đã thức tỉnh” này đầu thai từ cõi nào xuống, nhưng chắc chắn trong đám này không thiếu bọn lừa đảo; thậm chí có kẻ còn tự xưng là tiến sĩ thần học, lên mạng kêu gọi mọi người đi học khóa học của nó để nó dạy cho cách thu hút mọi thứ trên đời, đóng tiền cho nó để nó dâng sớ cầu phúc chuyển nghiệp cho cá nhân, gia đạo, và cả quốc gia! Bọn này tối ngày lên mạng hô hào những thông điệp trái luật nhân quả, lợi dụng tâm tham và tâm si của thiên hạ để kiếm tiền (không muốn làm mà muốn có ăn, gây nghiệp mà không muốn trả nghiệp): thu hút đại cát chuyển nghiệp may mắn, thu hút mọi thứ bạn muốn nhanh nhất trong 24 giờ, thu hút tiền bạc ngay lập tức, ám thị tiềm thức thu hút tiền tỉ, thu hút tiền trong lúc bạn ngủ, 3 ngày để thay đổi ngoại hình bằng luật hấp dẫn… Vãi cả “thức tỉnh”! Đúng như tác giả, họa sĩ Lê Bích từng nhận xét: “Người nói đạo lý thường sống khá giả.”

Ở trang 242, tác giả đã liệt kê các thuật điều khiển tâm trí để thao túng người khác. Ở cuối sách, tác giả lại sử dụng chính “Thuật điều khiển tâm trí” để đánh vào cảm xúc sợ hãi của độc giả, mang trái đất 5D ra để hù dọa. Chưa hết, ngay đầu sách (trang 5) tác giả viết:

Cuốn sách này vô cùng đặc biệt, nó sẽ giúp bạn thay đổi sâu sắc góc nhìn về cuộc sống.
Qua từng chương, bạn sẽ thấu hiểu những điều mà trước giờ bạn không nhận thức được rằng chúng tồn tại và bạn sẽ có cơ hội khám phá những vùng đất mình chưa từng biết đến.
Đó sẽ là những vùng đất kỳ lạ, tương tự như cuộc hành trình của Alice ở xứ sở thần tiên. Điều quan trọng là, bạn có dám bước vào lỗ thỏ để đến xứ sở thần tiên hay không?
Bởi vì những thông tin trong cuốn sách này sẽ rất khác so với những tài liệu hay sách vở mà bạn từng biết tới.
Thế giới quan của bạn sẽ thay đổi!
Nhưng để đạt được điều đó, bạn cần phải vượt qua những rào cản của tâm trí, bạn cần một cái đầu mở và sự dũng cảm để vượt qua những niềm tin cố hữu của mình.

Tác giả đã sử dụng những lời hứa hẹn hão huyền: đến xứ sở thần tiên, khám phá những vùng đất mình chưa từng biết đến, thay đổi sâu sắc góc nhìn về cuộc sống… và sự khiêu khích: bạn có dám bước vào, bạn cần một cái đầu mở và sự dũng cảm… đều là những chiêu trò thao túng đánh vào cảm xúc của độc giả.

Vậy, rốt cuộc, “Trái đất 5D” là như thế nào? Trang 398, tác giả viết:

Đây sẽ là thế giới mà con người có tình thương, lòng tốt, tôn trọng lẫn nhau, hành động có trí tuệ, bạo lực và chiến tranh sẽ không còn tồn tại. Tâm thức phát triển cũng sẽ dẫn tới hệ thống xã hội mới phù hợp hơn, khi nhà nước biến mất, chỉ còn những nhóm cộng đồng nhỏ, những khu vực tự trị tôn trọng lẫn nhau.

Hóa ra “Trái đất 5D” là một thế giới mà con người ở đó không còn tham – sân – si (“bạo lực và chiến tranh sẽ không còn tồn tại”). Đây chính là điều mà tôi thấy ảo lòi nhất cuốn sách. Ở đây bạn nào thấy mình đủ tiêu chuẩn sống ở 5D thì lên tiếng dùm.

Nói tóm lại: ở đầu sách đã có sự thao túng tâm lý, cuối sách lại chốt hạ bằng một chiêu thao túng tâm lý hạng nặng! Thậm chí tác giả còn tự xưng mình chính là người nhận được thông điệp từ đấng!

Hồi thế kỷ thứ 7 sau công nguyên, tại thành phố Mecca, thuộc bán đảo Ả Rập, có một người đàn ông 39 tuổi tên là Muhammad tự xưng là sứ giả cuối cùng được Thượng Đế gửi xuống để dẫn dắt nhân loại. Ông tuyên bố mình đã nhận được thông điệp từ Thiên thần Gabriel do Thượng Đế phái đến. Những thông điệp ấy được viết thành cuốn Kinh Coran. Muhammad được xem là vị giáo chủ sáng lập nên đạo Hồi.

Nay, vào thế kỷ 21, ở xứ Đông Lào, có một thanh niên 9x tự xưng mình là người nhận được thông điệp từ đấng. Thông điệp ấy được viết trong cuốn Luật Tâm Thức!

Tôi từng đọc không ít sách về chủ đề tâm linh, đặc điểm chung của chúng là sự sâu sắc và minh triết, nhưng tâm linh trong cuốn sách này nó lạ lắm: ngô nghê, chủ quan, chắp vá, mâu thuẫn, ngụy luận, thao túng tâm lý, quảng cáo dịch vụ… Bởi vậy, không phải ai nói đạo lý cũng với cái tâm Phật.

Những lý giải cho các bí ẩn trong cuộc sống như: du hành thời gian, dịch chuyển tức thời, thực tại song song, Déjà vu, người ngoài hành tinh, cách xây kim tự tháp, tam giác quỷ, điều gì xảy ra sau khi chết… đều là những lý giải mang tính giả thuyết (có đầy trên mạng), nhưng tác giả cứ nói như đúng rồi. Vì là giả thuyết nên chúng ta đọc xong sẽ không kiểm chứng được, không ứng dụng được nên thế giới quan và cuộc sống của chúng ta sẽ chẳng có gì thay đổi.

Vì sao tác giả lại đưa nhiều tin giả vào sách thế? Chỉ có thể là một trong hai lý do: tác giả muốn dắt mũi người đọc hoặc chính tác giả bị dắt mũi. Như tôi có nói ở đầu bài viết, tác giả đã dùng hình vẽ của khuôn mặt mình để minh họa cho người có tâm thức phát triển. Tôi không rõ việc bị dắt mũi bởi một đống tin giả có phải là một biểu hiện khác của người có tâm thức phát triển không, hay hành vi dẫn một đống tin giả nhằm dắt mũi người đọc thì tâm thức của tác giả đã phát triển dữ chưa? Bạn đọc hoàn toàn có thể tự rút ra được câu trả lời.

Cuốn sách này chứa nhiều thông tin mâu thuẫn, theo lý giải của tôi, vì sách khá dày, đề cập đến rất nhiều lĩnh vực, copy từ nhiều nguồn, nên nhiều khi tác giả không nhớ mình đã viết gì, đã copy nội dung gì để sắp xếp, chỉnh sửa trước sau cho khớp. Một lý do khác là tác giả khuyên người đọc làm những điều mà chính tác giả chưa từng làm nên không nhận ra sự mâu thuẫn trong những lời khuyên ấy.

Trong danh mục tài liệu tham khảo ở cuối sách, có 2 cuốn sách ngụy khoa học mà độc giả cần cảnh giác là sách của Masaru Emoto (Bí Mật Của Nước, Thông Điệp Của Nước). Link liên quan: “Bí mật của nước” là cuốn sách thuộc thể loại “hư cấu”

Nội dung review đã dài, nếu bỏ công ra ngồi nhặt sạn cho tỉ mỉ không khéo lại viết được một cuốn sách ăn theo.

Đồng ý là trải nghiệm tâm linh của mỗi người là khác nhau, nhưng khi bạn chia sẻ trải nghiệm và quan niệm tâm linh của mình thì nó cần phải thống nhất theo logic nhân-quả, chứ tâm linh không phải là nói khùng nói điên, muốn nói gì thì nói, nói những điều mâu thuẫn nhau, nói câu sau vả vào câu trước… rồi bảo rằng mình đang lan truyền thông điệp của đấng! Sự dễ dãi của những độc giả chơi hệ tâm linh, và sự thiếu tư duy phản biện khi đọc sách tâm linh sẽ mở đường cho trào lưu những cuốn sách tâm linh có nội dung ngô nghê, chắp vá, mâu thuẫn, hù dọa như thế này.

Series bài viết liên quan đến cuốn sách Luật tâm thức:

🔶 Luật tâm thức – sách tâm linh hay brochure quảng cáo?

🔶 Trái đất 5D là gì?

🔶 Video phỏng vấn người ngoài hành tinh (dự án Blue Book) và sự thật

🔶 Nazi bell – thiết bị du hành thời không của Đức Quốc xã

🔶 Sự thật về “Hiệu ứng con khỉ thứ 100”

🔶 Sao không đưa rác ra Tam giác quỷ để nó… tự biến mất?

🔶 “Bí mật của nước” là cuốn sách thuộc thể loại “hư cấu”


27 thoughts on “Suy nghĩ về Luật tâm thức – khi tà kiến lên ngôi

  1. Em đã được thôi miên vào thế giới 5D rồi. Thế giới ấy lạ lắm không có chiến tranh, nhưng hình thù thì không ai có Não cả ( hỏi ra mới biết do họ không có tư duy), đầy tình yêu thương lẫn nhau, nhưng lại là sự cố gắng, chịu đựng để yêu thương lẫn nhau ( hỏi ra mới rõ do họ sợ xuống lại trái đất nên phải cố gắng yêu để giữ mức tầng số rung động cao) hơ hơ…

    Like

    1. Anh từng nghe vài người kể về trải nghiệm của họ ở thế giới 5D qua thôi miên rồi. Mỗi người tả mỗi khác, giống thầy bói mù sờ voi vậy, cho họ ngồi với nhau chắc cãi nhau loạn lên.

      Liked by 1 person

  2. Lúc em mới mua quyển này, đọc đoạn đầu công nhận là thấy rất thuyết phục, còn sang đoạn sau đúng là rất nhiều thông tin có vấn đề nhưng mình chưa đủ kiến thức để kiểm chứng :/

    Liked by 1 person

  3. Tiếc là mình đã mua quyển sách này về đọc xong mới đọc review của bạn. Đọc đoạn đầu về các loại hình học mình thấy rất thích, nhưng càng về sau thì càng thấy hình như có gì đó sai sai. Và giờ thì không biết xử lí nó ntn vì biết rõ nội dung sách không ổn mà đem đi trao/ tặng lại thì áy náy, mà giữ ở nhà 1 quyển sách không có mấy giá trị với bản thân thì cũng không muốn, huhu

    Like

    1. bôi high line các mục và từ nhạy cảm, mê tín dị đoan ba láp ba xàm chỗ chương 7 8 9 rồi mang ra đồn công an gần nhất. nhanh gọn lẹ
      tặng lại các chú công an các chú ấy xử lý

      Like

  4. =)) tự yên thấy mình kiên nhẫn quá vì đã ngồi đọc hết và cũng vừa đọc vừa phải tư duy (chắc do mình tư duy chậm hơn mn). Mình chưa đọc cuốn sách này, nhưng đang tìm hiểu về quy hồi tiền kiếp do mình có trải qua một số hiện tượng và cảm giác nó hơi lạ so với bình thường. Cơ mà đi tìm hiểu thì thấy các website đều là của mấy bạn làm healing bán dịch vụ :))) qua trang phatgiao.org đọc cũng không ổn lắm. Và đang thấy khá may vì đọc được bài viết của bạn, nhưng lại lấn cấn quá vì chót mua quyển “bí mật của nước” rồi mà chưa đọc thui.
    Mình không bình luận về cuốn sách vì chưa đọc và chắc là sẽ không đọc 😀 mà chỉ cảm ơn tác giả đã cho mình một cái nhìn khác mới về phương pháp đọc sách (là điều mình vẫn đag thấy hoài nghi và thấy thiếu ở bản thân vì chắc do tư duy phản biện của mình còn kém).

    Liked by 1 person

  5. E chưa đọc nhưng đọc mấy câu trích dẫn của a thì k hiểu sao nó được xuất bản. Các nhà khoa học còn chưa dám khẳng định mà 1 cá nhân k có nghiên cứu gì cũng đã vội khẳng định và viết thành sách???

    Liked by 1 person

  6. Tôi chưa đọc sách này nhưng đọc vài bài của NST trên trang KH Tâm linh thì thấy giông như bạn nhận định, hàm lượng tri thức ít, nôm na lại thiếu tính KH sâu xa, nhiều võ đoán cũng giống như trang đó. Về vấn đề thôi miên hồi qui thì tôi thấy ở phương tây họ làm nghiên cứu nhiều và đưa lên TV. Ngạn ngữ dỗ như dỗ vong của vn là kinh nghiệm của cổ nhân thì không sai đâu chính tôi dã trải nghiệm nhiều.

    Liked by 1 person

  7. Ôi thôi, tui chưa đọc cuốn này, mà nghe mấy bạn nói thôi, thật trơ trẽn thay. Nghĩ thử mà xem, những năm xa xưa khi khoa học mới nhen nhóm thì bị xua đuổi chèn ép bởi tôn giáo, thậm chí mất mạng. Giờ khoa học thắng thế thì bị nhét chữ vô miệng, cái gì cũng khoa học chứng minh, nhưng thật ra toàn nguỵ khoa học, nhất là cái vụ bí mật của nước, ai cũng tin sái cổ. Thứ hai, chân chính đạo lý của Phật Giáo là thoát khổ, nên không thể tồn tại thế giới mà chỉ toàn vui mà không khổ, không có khổ sao có động lực thoát khổ. Với theo Đạo Phật Nguyên Thuỷ, vốn không tồn tại linh hồn, chỉ là nghiệp chuyển sinh mà thôi, không có thế giới nào khác, Niết Bàn chỉ là trạng thái dòng chảy lặng lẽ mà ta có thể đạt được ngay tại đây. Thứ ba, hễ ai hay gieo nỗi sợ hãi, doạ địa ngục, doạ tận thế, doạ này doạ kia, là thấy có mùi liền, chân chính con đường tâm linh xuất phát từ tình thường, không thể là gieo rắc khủng bố như vậy.

    Liked by 1 person

  8. “Tôi từng đọc không ít sách về chủ đề tâm linh, đặc điểm chung của chúng là sự sâu sắc và minh triết”. Chủ thớt cho tôi xin tên vài quyển về chủ đề này để nghiên cứu thêm nhé!

    Liked by 1 person

    1. Tác giả sử dụng khá nhiều kiến thức của NLP tuy nhiên kiểu học mót từng chút một, không học chỉnh chu. Biết, hiểu chưa đến nơi đến chốn. Tính hệ thống, lý thuyết hay trải nghiệm đều rất “lôm côm”. Mỗi thứ 1 chút như nồi lẩu thập cẩm không rõ ràng, suy diễn và ảo tưởng. Những người chưa có nhiều trải nghiệm, chưa học bài bản sẽ dễ hiểu sai lệch. Nhà xuất bản cho xuất bản được cũng khó hiểu.

      Like

Leave a comment