7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG

Hiện tại ở Việt Nam, tác phẩm HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG (xin viết tắt là HTVPĐ) của Baird T. Spalding có 2 phiên bản nổi tiếng:

  • Bản nguyên tác: gộp 6 tập sách nhỏ của Spalding lại thành một quyển khổ to, dày trên 900 trang. Sách do Huy Hoàng liên kết xuất bản, AnleBooks dịch từ nguyên bản tiếng Anh tựa đề là “Life and Teaching Of The Masters Of The Far East”. Quyển sách này sẽ là nội dung chính cho bài review của tôi. Từ đây đến hết bài viết, tôi sẽ gọi tắt nó là “bản nguyên tác”.
  • Bản phóng tác: sách do dịch giả Nguyên Phong phóng tác. Bản phóng tác mà tôi dùng để tham khảo, đối chiếu trong bài viết này là quyển HTVPĐ khổ bỏ túi (10 x 15 cm), dày 343 trang do Frist News liên kết xuất bản. Từ đây đến hết bài viết, tôi sẽ gọi tắt nó là “bản phóng tác”.

Ngoài 2 phiên bản trên, còn có một bản “rút gọn” ít nổi tiếng hơn do Văn Lang liên kết xuất bản, độ dày 320 trang. Tôi chưa có thời gian đọc qua bản này nên không có nhận xét gì về nó.

1. 99% nguyên tác nói về Thiên Chúa giáo

Khác với bản phóng tác của Nguyên Phong, gần như toàn bộ bản nguyên tác nói về giáo lý của Thiên Chúa, ngợi ca thượng đế, chúa Jesus, đấng Christ…

Phần 3 của nguyên tác kể về chuyến hành trình đến Tây Tạng – một đất nước Phật giáo. Phái đoàn được diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma (không nói rõ đời thứ mấy), gặp gỡ nhiều vị tu sĩ, chân sư ở đó… Nhưng các bạn tin được không, nội dung các cuộc thảo luận giữa phái đoàn và các vị này cũng xoay quanh đề tài: thượng đế, đấng Christ, chúa Jesus và giáo lý của ngài! Ngạc nhiên chưa!

Phái đoàn khoa học đã không quản đường xá gập ghềnh hiểm trở, lặn lội đến Tây Tạng chỉ để bàn về một lãnh vực tôn giáo đã rất quen thuộc nơi xứ họ: đạo Thiên Chúa. Đáng lẽ họ nên đến Vatican.

2. Gặp lại “Ngôi đền im lặng”

Ở chương 4 của bản phóng tác có kể về chuyến tham quan Ngôi đền im lặng. Vì ngôi đền này không tôn thờ bất cứ vị thần nào nên vị đạo sư giữ đền đã thuyết minh về ngôi đền bằng ngôn ngữ phi tôn giáo, sâu sắc và dễ hiểu.

Ở trang 39 của nguyên tác cũng có kể về chuyến tham quan ngôi đền im lặng. Ngôi đền này không thờ bất cứ vị thần nào, nhưng vị đạo sư dẫn đường tên là Emil đã viện dẫn rất nhiều triết lý Thiên Chúa giáo để thuyết minh về ngôi đền. Chưa kể nội dung ông trình bày rất dài dòng, rối rắm, khó hiểu.

3. Rất mơ hồ về những cái tên

Trong bản nguyên tác, dường như tác giả cố ý muốn giấu danh tính của những vị giáo sư trong phái đoàn. Ngoài tên của tác giả, tôi chỉ tìm được một cái tên duy nhất: bà Grace G. Hahn (trang 628). Sách không nói bà này có phải giáo sư hay không và bà công tác ở đâu. Vậy nên có lẽ việc xác minh danh tính của bà là bất khả thi. Kể cả NXB DeVorss giữ bản quyền nguyên tác này cũng “bó tay” trong việc xác thực những thông tin được cung cấp trong nguyên tác.

Trang số 10 – Bản nguyên tác

Trong khi đó, bản phóng tác thì thoải mái kể tên các vị giáo sư trong phái đoàn (kể cả trường đại học nơi họ công tác): Oliver, Mortimer, Evans-Wentz, Allen…

Điều mơ hồ là bản nguyên tác nói rằng giáo sư Spalding (tác giả) công tác ở đại học Calcutta và chỉ là một thành viên bình thường trong phái đoàn (chứ không phải là trưởng đoàn). Còn bản phóng tác thì nói rằng giáo sư thuộc đại học Oxford và là trưởng phái đoàn (trang 330-331, phóng tác.) Tên của ông in trên 2 quyển sách cũng có chút khác biệt: Baird vs Bair.

4. Chúa Jesus xuất hiện và đồng hành cùng phái đoàn trong một thời gian

Trang 167 trong bản nguyên tác kể về sự kiện Chúa Jesus xuất hiện trước mặt cả phái đoàn. Theo lời một người địa phương thì chúa vẫn thường xuất hiện giảng đạo và chữa bệnh cho dân làng. Đến đây chắc có bạn sẽ thắc mắc: Chúa xuất hiện ở làng nào? Tôi không biết, vì tác giả cố tình không nói! Ở trang 156, tại lời tựa của phần II, tác giả giải thích:

“tôi cố ý bỏ đi tên của những con người và địa danh. Tôi cảm thấy rằng, tôi được tự do giấu tên của những nơi chốn và địa điểm, để độc giả có quyền chấp nhận nó là sự thật hay điều hư cấu, bởi họ cho rằng có những sự tính toán từ trước ở đây, cho rằng sự thật đôi khi còn đáng ngạc nhiên hơn những điều hư cấu.”

Cuối lời tựa, tác giả nhắc nhở:

“với tất cả sự tôn trọng, tôi chân thành nhắc nhở các bạn đọc rằng các bạn càng dễ tiếp nhận, các bạn càng lĩnh hội được nhiều hơn.”

Trong những khóa học làm giàu, tôi cũng bắt gặp những lời nhắc tương tự, mục đích là để học viên hạ hàng rào tâm lý xuống, hạ thấp tư duy phản biện để các diễn giả “nhồi sọ” học viên dễ hơn, thao túng hiệu quả hơn.

Dù đã đọc được “nhắc nhở” của tác giả, nhưng tôi vẫn không khỏi thắc mắc vài điều:

Khi Jesus xuất hiện, ngài không hề giới thiệu mình là ai. Tại sao mọi người trong phái đoàn lại nhận ra ngài là chúa Jesus?

Như mọi người đã biết thì ngoại hình của Chúa được vẽ mỗi nơi một kiểu, và khác nhau theo từng thời điểm lịch sử. Lần cuối người ta thấy Chúa cách đây chừng 2000 năm rồi. Hình ảnh của Chúa đã bị tam sao thất bản. Ai cũng từng thấy hình và tượng Chúa, nhưng chẳng ai được gặp trực tiếp Chúa để biết mặt ngài thật sự trông như nào. Làm sao bạn có thể nhận ra một người khi mà chỉ mới nghe danh? Vậy mà cả phái đoàn khoa học lại làm được chuyện này!

Hình tượng chúa Jesus qua các thế kỷ.

Theo các nhà nghiên cứu, ngày xưa Chúa nói tiếng Aramaic (có lẽ bây giờ chẳng ai nói được thứ tiếng này nữa). Nhưng theo nguyên tác HTVPĐ, tác giả Spalding đã kể rằng Chúa xuất hiện và giao tiếp với mọi người bằng tiếng Anh! Tuy nhiên điều này vẫn chưa gây sốc với tôi bằng việc Đức Phật xuất hiện!

5. Đức Phật xuất hiện

Nguyên tác kể rằng trong lúc cả phái đoàn ở nhà của một vị thống sứ, giữa họ và vị thống sứ đang rơi vào một tình huống mâu thuẫn căng thẳng thì Đức Phật xuất hiện. Phật đã dùng thần thông dọa cho vị thống sứ cùng bọn lính tráng của ông sợ chết khiếp. Phật quở trách vị thống sứ vì trước đó ông đã từ chối lời thỉnh cầu giúp đỡ của một đứa trẻ (trang 277 – 278 – 279, nguyên tác).

Bỏ qua những câu hỏi về mặt logic như làm thế nào mà cả phái đoàn toàn những ông Tây bà Tây lại nhận ra đó là Đức Phật, hay tại sao Phật lại nói tiếng Anh… thì tôi thấy cách hành xử của Đức Phật được kể trong nguyên tác lại không hề giống tinh thần Phật pháp. Nói trắng ra, tôi cho rằng tác giả Spalding đã bịa đặt.

Giúp đỡ người khác là một việc nên làm. Nhưng từ chối giúp đỡ một ai đó là quyền quyết định cá nhân của vị thống sứ. Cớ sao Phật lại muốn vị thống sứ phải hành động theo ý ngài? Tinh thần của đạo Phật không độc đoán như thế. Phật cũng chẳng bao giờ làm cho ai sợ. Nếu vị thống sứ là một phật tử đã thọ tam quy ngũ giới thì ông ấy đã phạm phải giới cấm nào dành cho phật tử tại gia?

Bây giờ tôi đã hiểu vì sao nguyên tác của Spalding viết rất ít về các đạo khác mà chỉ chăm chăm nói về Chúa. Thậm chí đặt chân đến Tây Tạng rồi mà vẫn cứ nói về Chúa! Bởi ông thấy khó “chém gió” về những điều không quen thuộc với ông, điển hình là đạo Phật. Vì thế ông mới bịa ra một ông Phật với lối hành xử khác xa triết lý nhà Phật.

6. Thiếu tinh thần khoa học và rất mơ hồ

Nguyên tác này được viết bởi một giáo sư, một nhà khoa học (danh tính của ông khá mập mờ, nên cứ tạm cho ông là nhà khoa học đi) nhưng nhiều điều ông viết trong nguyên tác rất thiếu tinh thần khoa học, nhất là thiếu tên người, địa danh, mốc thời gian, ảnh chụp, không có bản đồ, không có bản ghi chép nào khác bên ngoài…

Trang số 478 – Bản nguyên tác

Tác giả diễn đạt những thông điệp đạo lý theo cách rất mơ hồ; kể những câu chuyện huyền hoặc mà chẳng ai kiểm chứng được (các vị chân sư sống mấy trăm năm tuổi. Họ thi triển những phép thần thông lặp đi lặp lại nhiều lần đến mức tôi không xem đó là điều kỳ diệu nữa: biến ra đồ ăn để nuôi sống phái đoàn trong nhiều ngày, chữa bệnh, cứu sống người sắp chết, biến quần áo cũ thành mới, teleport…); trình bày những lý thuyết vô thưởng vô phạt và lặp đi lặp lại đến nhàm chán như: thượng đế bên trong bạn, hợp nhất với thượng đế, trí tuệ toàn năng… đọc một hồi tôi như bị lạc vào mê cung, chẳng biết mình đang đọc gì, chẳng nhớ mình vừa đọc gì, cứ mơ mơ hồ hồ…

Trang 727, một người hỏi Spalding rằng tuyến cận giáp được kích thích như thế nào? Ông trả lời:

“Yếu tố quan trọng trong quá trình kích thích chúng là sự tập trung vào tuyến giáp thông qua một tác động tinh thần, và đó chính xác là những gì chúng tôi đang nói tới.”

Trang 803, một người hỏi: “Chúng ta nên truyền đạt những suy nghĩ mang tính xây dựng đến những người đau khổ như thế nào?” Theo tôi, đây là một câu hỏi hay và rất thiết thực. Hãy nghe Spalding trả lời này:

“Hãy biểu thị thượng đế đến với những người này như một suy nghĩ lớn lao nhất. Sau đó chúng ta biểu thị một trạng thái giúp anh ta thoát khỏi sự đau khổ. Nếu chúng ta biểu thị thượng đế, chúng ta sẽ hiệu chỉnh được bất kỳ hoàn cảnh nào.”

Có ai hiểu ông ấy đang chỉ người ta làm cái gì không?

Trang 670-671-672, tác giả kể về chiếc camera của tiến sĩ Steinmetz có khả năng quay ngược thời gian về quá khứ trong phạm vi một triệu năm và mang về những hình ảnh lịch sử như buổi lễ nhậm chức của tổng thống George Washington, bài giảng trên núi của chúa Jesus…

Không khó để tìm ra nhiều đoạn “đầy tinh thần khoa học” tương tự được viết ra bởi một nhà… “tạm cho là khoa học”.

7. Bản phóng tác của Nguyên Phong kể những câu chuyện “bịa” chẳng liên quan đến những chuyện trong nguyên tác

Trang 341 bản phóng tác của Nguyên Phong (First News liên kết xuất bản) có ghi:

“Cuốn sách này là một phần trong bộ hồi ký nổi tiếng của giáo sư Bair T. Spalding (1857 – 1953). Nguyên tác ‘Life anh Teaching of the Masters of Far East’ (xuất bản năm 1935) có tất cả sáu quyển, ghi nhận đầy đủ về cuộc hành trình gay go nhưng lý thú và tràn đầy sự huyền bí ở Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Ba Tư.”

Trang 341 bản phóng tác của Nguyên Phong (First News liên kết xuất bản)

Tôi khẳng định thông tin trên là sai sự thật. Vì tôi đã đọc cả bản nguyên tác lẫn phóng tác rồi. Tôi thích bản phóng tác của Nguyên Phong, và đã cả tin vào thông tin trên. Cách đây mấy năm, khi Huy Hoàng vừa cho ra mắt bản nguyên tác, tôi đã giới thiệu cho nhiều bạn mua đọc, dù khi ấy tôi chưa kịp đọc qua nguyên tác. Sau đó, bạn tôi phản hồi rằng “Sách gì mà nói toàn giáo lý của đạo Thiên Chúa!” thì tôi mới tá hỏa vì biết mình đã tiếp tay cho bọn làm sách thiếu tâm!

Huy Hoàng đã “chiêu trò” khi dịch cái tựa “Life and Teaching Of The Masters Of The Far East” ra tiếng Việt là “Hành Trình Về Phương Đông”: cố ý đặt trùng tên với bản phóng tác để ăn theo sự nổi tiếng của một tác phẩm vốn đã đi vào lòng độc giả VN từ nhiều năm nay. Sự nhập nhằng này khiến nhiều độc giả hiểu lầm rằng bản nguyên tác là bản full.

Các tác phẩm phóng tác được liệt vào thể loại fiction (hư cấu). Và việc dẫn chứng thông tin từ một tác phẩm hư cấu để thuyết phục một điều gì đó là khoa học thì rất ngớ ngẩn và buồn cười, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp. VD như đoạn dưới đây được chụp từ một quyển sách do Alphabooks biên tập và liên kết xuất bản.

Tại Sao Chúng Ta Không Hạnh Phúc? – Phi Tuyết

Kết luận

Tôi nhận xét về bản phóng tác của Nguyên Phong: ngắn gọn, mạch lạc, sâu sắc, dễ hiểu. Góp ý với First News là hãy xóa đi phần thông tin sai sự thật về bản phóng tác nằm ở cuối sách để tránh gây hiểu lầm cho nhiều độc giả. Đây là một quyển sách hư cấu được viết dựa theo một quyển sách hư cấu khác, nhưng những “câu chuyện cổ tích” được Nguyên Phong kể trong đó hợp với trí tưởng tượng bay bổng của tôi. Tôi chấm bản phóng tác 4/5 sao cho thể loại cổ tích.

Còn về bản nguyên tác: đây là cuốn sách khiến tôi cảm thấy lãng phí tiền bạc và thời gian nhất sau khi đọc xong. Chấm 1/5 sao.

Hy vọng bài review này sẽ giúp bạn không mua phải quyển sách chẳng những viết láo mà còn viết dài, viết dở, đỡ tốn vài trăm ngàn.


Sau khi đọc được bài viết này trên blog của tôi, một bạn đọc cho rằng dịch giả Nguyên Phong đã dịch tác phẩm Hành Trình Về Phương Đông chứ không phải “phóng tác”. Bạn ấy gửi kèm thông tin về tác phẩm này từ website của First News:

Riêng với quyển “Hành trình về phương Đông”, có lẽ quyển sách này đã “tự tìm” đến ông khi ông vào thư viện của trường, ngang khu sách tôn giáo thì thấy một quyển sách rơi trên lối đi. Ông nhặt lên, không nhìn xem đó là quyển gì. Đi một vòng quay lại, lại thấy cuốn sách kia rơi trên lối đi, ông nhặt lên và có nhìn xem tên quyển sách trước khi xếp nó vào giá. Đến khi mọi người đã vãn, ông đi lại khu sách cũ, lại thấy quyển sách kia nằm giữa ngay lối đi. Và cuối cùng ông mượn về, đọc một mạch, đọc lại rồi đọc lại. Sau đó, dịch quyển sách ấy ra tiếng Việt với tên: “Hành trình về phương Đông” như bạn đọc thấy hiện nay.

Nguồn: https://firstnews.com.vn/vi/tac-pham/hanh-trinh-ve-phuong-dong-kho-nho-p1398.html

Thứ nhất: quan điểm cho rằng dịch giả Nguyên Phong đã “phóng tác” quyển Hành Trình Về Phương Đông không phải do tôi tự bịa, mà lấy thông tin này từ báo lao động.

Link: https://laodong.vn/archived/bi-an-dang-sau-hai-cuon-hanh-trinh-ve-phuong-dong-667311.ldo

Thứ hai: bản thân dịch giả Nguyên Phong và cả First News không thể cung cấp tác phẩm gốc để mọi người đối chiếu. Vậy căn cứ vào đâu để chứng minh Hành Trình Về Phương Đông là tác phẩm dịch? Sách dịch thì ghi rõ là dịch, phóng tác thì nên ghi rõ ra là phóng tác, không nên nhập nhằng đánh lận con đen. Đối với tôi, câu chuyện một quyển sách “tự tìm” đến dịch giả mà trang First News đã kể ở trên cũng chỉ là một bản “phóng tác” khác của ai đó mà thôi.


Không hiểu sao báo chí Việt Nam đăng thông tin về dịch giả Nguyên Phong cũng kèm theo vài yếu tố “phóng tác” kỳ lạ:

Giáo sư John Vũ (Nguyên Phong) nằm trong “Top 10 người sáng tạo nhất thế giới”

Giáo sư John Vũ (Nguyên Phong) nằm trong “Top 10 người sáng tạo nhất thế giới” lấy từ danh sách nào? Vì nếu tên ông có trong cái danh sách ấy thì sẽ nằm cạnh những cái tên mà ai cũng quen thuộc như: Thomas Edison, Steve Jobs, Nikola Tesla, Bill Gates, Benjamin Franklin, Leonardo Da Vinci… Trong khi đó, cái tên “John Vũ” nghe rất lạ lẫm.

Giáo sư John Vũ đã viết trên 10.000 bài viết đăng trên blog science-techology?

Nếu con số trên là đúng, nghĩa là đều đều suốt 50 năm, cứ 1-2 ngày là giáo sư cho ra một bài viết khoa học. Viết blog chơi chơi mà làm được vậy suốt 50 năm còn khó, huống hồ viết bài báo khoa học. Con số này rất đáng ngờ.

Bài viết liên quan:

9 câu hỏi về cuộc đời bí ẩn của tác giả cuốn sách Hành Trình Về Phương Đông


Một số bài review sách tâm linh khác trên blog của tôi:

 🔶 Luật tâm thức – khi tà kiến lên ngôi

🔶 Review sách Power vs Force – khi “thử cơ” bá đạo hơn “cầu cơ”

🔶 “Bí mật của nước” là cuốn sách thuộc thể loại “hư cấu”

🔶 Review sách The Secret – liều ma túy cho tinh thần


29 thoughts on “7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG

  1. Cám ơn Phương vì bài review công phu. Mình có thấy quyển dày cộp “nguyên tác” nhưng chưa có hứng thú để đọc, hên quá, mình cũng chưa mua.

    Theo mình nghĩ thì Nguyên Phong đã thực sự phóng tác ra HTVPĐ. Nội chữ ‘phóng tác’ đã nói lên ý nghĩa của nó rồi. Mình có đọc được 1 đoạn này:

    “Một điều vô cùng ngạc nhiên, là trên cuốn sách cũ đó, ghi là dịch giả Nguyên Phong dịch từ Journey To The East, nhưng chúng tôi truy tìm trên internet, và liên hệ truy tìm tất cả các NXB của Ấn Độ, Anh, Pháp, Mỹ… lúc bấy giờ, kể cả những NXB đã đóng cửa, mà không tìm được phiên bản gốc, dù là dạng file hay bản in sách cổ.”
    Link: https://m.trithucvn.org/blog/nhung-bi-an-sau-tac-pham-hanh-trinh-ve-phuong-dong.html

    Điều đó cho thấy rất có thể không tồn tại bản tương tự với HTVPĐ trong ngôn ngữ khác.

    Về phần nội dung bản phóng tác, mình thấy có đôi chỗ hơi thăng hoa và có lẽ, hơi nhân hóa (kiểu biết trước được mọi sự và luôn nhận được tín hiệu từ vũ trụ…). Nếu bỏ qua các chi tiết đó thì nội dung chính rất ổn.

    Thật tệ vì bài review đầy tâm huyết lại không có lấy một comment :))

    Like

  2. Cảm ơn bạn thật nhiều về bài review này
    Không thể nói là tuyệt vời vì bài viết này còn hơn thế nữa
    Mình đã cực kỳ ấn tượng khi đọc HTVPD mấy năm trước
    Mấy ngày nay mở cho mẹ mình nghe thì thấy xuất hiện thêm chữ “các chân sư”
    Tên tác giả thì đúng
    Tên sách na ná
    Nhưng lại khang khác
    Làm mình loạn cả lên
    Thật may khi có bài viết của bạn đã giúp mình đỡ tốn thời gian
    Không thể ngờ có những người lừa đảo như vậy
    Trân trọng cảm ơn bạn nhé
    Chúc bạn nhiều niềm vui và sức khỏe ❤️❤️❤️❤️

    Liked by 1 person

  3. Mình đọc xong hành trình về phương đông và rất xúc động về những bí ẩn tâm linh, và mình tò mò k biết thế giới có tồn tại những điều như sách kể, cảm ơn bạn đã giúp mình sáng tỏ

    Liked by 1 person

  4. Mình không thể đọc hết một tác phẩm hay một cuốn sách mà mình nhìn vào đã thấy không ưa. Cứ mỗi cái thấy sai sai thì mình không thể nào làm tiếp, chính vì vậy, có nhiều bất lợi cho mình trong cuộc sống và công việc. Mình thấy bạn đọc hết 900 này, quả thật mình có chút cảm động. Cảm ơn bạn đã chia sẻ trải nghiệm này!

    Like

  5. Thật buồn là nếu bạn đã đọc xong bản phóng tác của bác John Vu mà vẫn đòi hỏi phải có bằng chứng khoa học, cụ thể, chi tiết…thì e rằng bạn cũng giống phái đoàn trong tác phẩm mà thôi. Sách viết về chủ đề tâm linh mong bạn dùng trái tim cảm nhận ạ.

    Like

    1. Đây là loại sách tâm linh, nhưng tác giả đã khiến cho nó có vẻ đáng tin hơn bằng cách “hư cấu” ra các nhân vật là các nhà khoa học. Nghĩa là khoác lên cho tác phẩm một lớp áo khoa học. Cớ gì mà họ không viết thiên về tâm linh hẳn đi mà còn bịa đặt ra các nhà khoa học rồi công trình nghiên cứu này nọ… để làm gì??? Mục đích bài viết trên là muốn trả tác phẩm về cái gốc tâm linh vốn có của nó đúng như ý bạn nói: “sách viết về chủ đề tâm linh”.

      Like

  6. báo chi Việt Nam thì hay phóng đại. Mấy cái tít top 10 người sáng tạo nhất thế giới mình nghĩ các nhà báo Việt Nam nên học cách đưa ra dẫn chứng nguồn từ đâu và năm nào vì mấy cái giải này nhiều tên lắm và mỗi năm mỗi khác. Dù sao thì mình nghĩ cái này là để tăng thêm sức hút cho tác phẩm thôi chứ người làm khoa học cũng hiểu rõ mình mạnh ở đâu và làm được cái gì. Mình chỉ biết bác Nguyên Phong dạy về khoa học máy tính và chuyên nghiên cứu về máy học cũng như phân tích dữ liệu ngành hàng không và thông tin chính thức nhất từ Mỹ thì có thể tìm thấy ở đây. https://execed.isri.cmu.edu/faculty/vu-john.html. Bác ấy có tinh thần khoa học và một tâm hồn thích nghiên cứu về những chuyện huyền học nên sự kết hợp này khiến cho độc giả thích thú và tin tưởng hơn.

    Mình nhớ lần đầu khi đọc sách của bác Nguyên Phong thì có đọc về việc phóng tác rồi nên mình không coi cuốn sách đó là bản dịch. Mỗi cuốn sách một khi xuất bản đều sẽ nhận khen chê và đánh giá phản biện từ độc giả nên có thể do người Việt mình chưa quen với việc nhận xét mà thôi.

    Nếu mình nhìn vào những cuốn sách huyền học nổi tiếng xuất bản từ các vị yogi và đạo sư Ấn Độ thì vẫn có rất nhiều khen chê lẫn lộn. Cá nhân mình chỉ mới nghe sơ qua bản của Spalding nhưng có thể thấy ngay sự khác biệt và không cuốn hút bằng bản phóng tác của bác Nguyên Phong. Sau khi đọc sách của bác Nguyên Phong, mình đã có tìm tòi đọc thêm nhiều cuốn khác của các đạo sư Ấn Độ, và tập yoga. Nếu bạn có hứng thú mình có thể giới thiệu một vài cuốn mà mình đã đọc bản tiếng anh.

    Like

    1. Tôi xin phép trình bày thêm vài ý cùng bạn:

      – Nhiều báo mạng ở VN đăng bài theo order, có khi người đăng bài còn chẳng có nghiệp vụ báo chí (họ không hề qua bước xác thực thông tin trước khi đăng). Họ chỉ cần đăng đúng nội dung do nhãn hàng cung cấp là nhận được tiền từ nhãn hàng.

      – Nhiều độc giả VN rất dễ dãi trong việc tiếp nhận thông tin từ sách-báo-đài và dễ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng hào quang của tác giả.

      VD1: Tác giả có IELTS 9.0, làm lãnh đạo cấp cao trong một doanh nghiệp nước ngoài, viết sách dạy IELTS, dạy về thành công, dạy làm giàu… trở thành bestseller. Độc giả lẫn nxb chẳng buồn kiểm tra xem cái chứng chỉ IELTS của tác giả là thật hay photoshop, có làm lãnh đạo doanh nghiệp thật hay bịa…

      VD2: tác giả là nhà khoa học có tên tuổi thì viết cái gì họ cũng tin, kể cả viết về tâm linh – một lĩnh vực khác xa chuyên môn của tác giả.

      – Sách dịch thì ghi rõ là dịch, phóng tác thì phải ghi rõ ra là phóng tác. Đằng này, NXB và cả dịch giả lại lập lờ đánh lận con đen, lúc thì in là “dịch”, lúc thì in là “phóng tác”. Bởi vậy bây giờ người ta mới tranh cãi là HTVPĐ là phóng tác hay dịch.

      Nói về thị trường sách VN bây giờ có rất nhiều cái bất cập. Tôi trình bày cùng bạn đại khái vài ý thế thôi. Rất mong chờ những tựa sách hay được bạn chia sẻ!

      Like

      1. Mình xin chia sẻ mối lo và quan tâm của bạn đến với thị trường sách đọc trong nước.

        Thật ra dù chúng ta làm gì, nấu một món ăn, vẽ một bức tranh hay dịch một cuốn sách cũng đều cần đặt hết tâm huyết vào. Dịch sách (chứ chưa nói đến phóng tác) cũng giống như sáng tạo lại cuốn sách lần thứ hai nên không phải ai cũng thổi hồn vào cuốn sách được.

        Một vài cuốn mà mình đọc thời gian vừa qua là Death: An Inside Story, Apprenticed to a Himalayan master: A Yogi’s Autobiography, Karma: A Yogi’s Guide to Crafting Your Destiny. Sách Tiếng việt thì mình có đọc thêm 2 cuốn sau này của bác Nguyên Phong, Muôn kiếp nhân sinh, nhưng có thể nói cuốn một cô đọng súc tích hơn. Sách của bác Nguyên Phong mang hơi hướng kể chuyện nên thu hút và dễ cảm hơn đối với người Việt vốn đã thấm nhuần những tư tưởng như nghiệp quả nhưng vẫn chưa đem đến cho mình một câu trả lời thoả đáng. Cuốn Karma: A Yogi’s Guide to Crafting Your Destiny theo mình mang đến nhiều khía cạnh để đi sâu hơn về karma.

        Một ví dụ đơn gỉản là chúng ta hay qui về một công thức đơn giản: làm việc thiện sẽ được phước báu. Thế nào là việc thiện? Làm sao ta biết được việc làm đó là vì phước báu hay là việc thiện xuất phát từ tâm? Làm sao để ta hành xử một cách tự nhiên mà không phụ thuộc vào những ‘tính toán âm thầm’ này?

        Còn sách Tiếng Việt dạng tản văn mà mình đọc gần đây là cuốn Sống với chữ của bác Nguyễn Hưng Quốc. Có thể nói bác ấy rất nâng niu chữ qua cách trình bày và dùng từ trong từng đoạn văn. Mình không biết ở Việt Nam có mua được không. Mình đặt cuốn này trên Book Depository và thấy khá hài lòng về chất lượng sách.

        Chúc bạn đọc sách vui.

        Liked by 2 people

  7. Đọc comment của bạn ngauthu mà thấy tâm đắc quá! Mình chưa tìm hiểu sâu về tâm linh như bạn nhưng có cách nhìn nhận vấn đề rất giống bạn. Đạo Phật rao giảng về nghiệp quả chính là để con người hướng thiện, biết sợ mà tránh cái ác, tin tưởng rằng làm việc tốt sẽ được đền đáp. Nói như vậy nghĩa là chúng ta làm việc thiện có động cơ rồi. Nhưng đối với con người trong vòng luân hồi thì làm được như vậy cũng đã rất tốt rồi phải không. Level của bậc thánh nhân là làm việc thiện như lẽ tự nhiên ko chút toan tính, không nghĩ gì đến Phước báo, đương nhiên rồi. Nhưng con đường đạo cũng cần đi từng bước một, trải qua nhiều kiếp luân hồi mới đến được chứ. Con người bây giờ chỉ cần ý thức được nhân quả, biết tránh việc ác để tránh quả xấu, biết làm việc tốt để hưởng phúc báo cũng đã là tuyệt vời rồi!

    Liked by 2 people

    1. Thật vui vì bạn cũng trăn trở điều này như mình. Thật ra đối với mình từ khi còn nhỏ, thiện và ác cũng là một phạm trù mang tính chủ quan khá cao. Nếu như nói những kinh điển tôn giáo sẽ là thước đo cho sự thiện ác vậy nếu như qua hàng ngàn năm truyền lại, liệu có những người/nhóm người vì vô tình hay cố ý sao chép lại sai lệch hoặc vì một mục đích nào đó đã thêm thắt một số điều hay không. Có một số hành động nhìn ở khía cạnh này là thiện, ở khía cạnh kia lại là ác. Những anh hùng trong chiến tranh chính là một ví dụ điển hình. Ranh giới giữa thiện và ác trong cùng một hành động nhiều khi rất mong manh như trong bài giảng về đạo đức của trường đại học Harvard: Justice: What’s The Right Thing To Do? Episode 01 “THE MORAL SIDE OF MURDER” (tạm dịch là: Đạo đức: Điều gì là đúng đắn? Phần 1 “Khía cạnh nhân đạo của một vụ giết người”. Mình xem video này đã lâu nên không nhớ chính xác nội dung nhưng về mặt đại ý bài giảng nói về một tình huống khi xe mất thắng và bạn chỉ có 2 sự lựa chọn, dù là sự lựa chọn nào thì cũng sẽ có người chết, chỉ là bao nhiêu người mà thôi.

      Thêm vào đó, việc rập khuôn một số việc là việc tốt cũng vô tình khiến ta quên mất mọi việc đều có tác động tốt lẫn xấu như tác dụng chính và phụ của thuốc vậy. Trong lịch sử, các phát minh khoa học hay những cuộc chiến tranh đều có những lý do chính nghĩa nhưng chỉ cần nhìn kĩ lại tất cả đều có hai mặt của nó. Mình cảm thấy việc nhìn nhận như vậy sẽ khiến chúng ta sống một cách “nhẹ nhàng” hơn, trân trọng cuộc sống này hơn và hiểu rằng mỗi hành động ta làm chỉ theo đúng nhận thức của ta lúc này mà thôi.

      Tuy rằng mình biết về luật nhân quả nhưng mình vẫn thấy buồn khi ngày càng có nhiều người dùng nó như một lời giải thích đơn giản cho mọi thứ. Ví như khi thấy những người gặp nạn, thay vì thấy đau lòng cho họ chúng ta lại thiên hơn về phía đơn giản nói rằng đó là nghiệp của họ. Chính điều này đã khiến mình suy nghĩ rất nhiều về karma, tìm đọc sách về karma và nhận ra rằng cách giải thích đơn thuần đó tuy mang ý nghĩa giáo huấn để khiến con người sống tốt hơn nhưng lại vô tình khiến nhiều người bỏ quên đi phần thương vốn có của mỗi người khi nhìn thấy những sự kiện này.

      Mình rất thích một câu nói của một vị yogi đó là: nếu như tôi cảm nhận bạn là một phần trong những ngón tay này của tôi thì tôi có cần được dạy là không được làm hại bạn, không được thương tổn đến bạn hay không. Nếu như mọi người đều tu tập, mình tin rằng sẽ không còn ai cần phải suy nghĩ về việc thiện hay phước báu nữa vì những điều ta làm khi ấy đến từ một nhận thức khác. Nhận thức ấy không đến từ cái tâm phân biệt và là lí do khiến mình kiên trì tu tập mỗi ngày. Chúc bạn và tất cả mọi người sẽ tìm thấy cảm hứng và động lực cho con đường của riêng mình.

      Liked by 1 person

      1. Tôi rất chia sẻ với những suy tư của Thư.
        Có một đoàn từ thiện muốn mang quà đến xóm tôi phát cho những gia đình nghèo. Họ gọi điện trước, đề nghị tôi dẫn đường. Tôi nói với họ: “Tôi rất sẵn lòng dẫn đoàn đi. Nhưng cũng nói trước, xóm tôi có nhiều gia đình nghèo, và tôi biết vì sao họ bị nghèo, đó là: cờ bạc, đề đóm, rượu chè, lười biếng… Và họ sẽ nghèo bền vững từ năm này qua năm khác để tiếp tục được hưởng chế độ trợ cấp từ nhà nước và quà từ những mạnh thường quân.” Trưởng đoàn nghe xong thì quyết định không đến xóm tôi làm từ thiện nữa.
        Nhiều khi tôi cảm giác làm việc tốt khó quá, không biết điều tốt mình làm sẽ mang lại hậu quả gì. Nếu nó khiến người ta lười biếng, ỷ lại, tăng trưởng tâm tham… thì việc tốt ấy liệu có tốt?

        Liked by 1 person

      2. Mình đồng ý với Phương. Thật ra nếu mọi người không muốn chỉ tìm con đường ngắn nhất để làm việc thiện mà thay vào đó là suy nghĩ xem trong khả năng của mình thì việc gì sẽ giúp đỡ được hoàn cảnh hiện tại hiệu quả nhất. Ví như công ty đó thay vì cho tiền thì có thể hỗ trợ học bổng cho con em của những gia đình này đi học đến cấp ba chẳng hạn Nó sẽ tốn nhiều công sức của họ hơn nhưng hoàn toàn nằm trong khả năng của một tổ chức,.

        Liked by 2 people

      3. Đọc các reply của bạn ngauthu mình thật sự rất rất đồng cảm, nhất là định nghĩa về “nghiệp” theo nhân quả mà chúng ta đang vô hình được tiếp cận dạo gần đây, vô hình chung làm chúng ta trở nên vô cảm trong cách nhìn về các mối quan hệ xung quanh. Mà cũng vô tình là mình vừa đọc 1 mẩu truyện nhỏ trong cuốn sách “Ai đổ đống rác ở đây” của tác giả Ajahn Brahm, có 1 đoạn cũng nói về chi tiết này. Nếu chỉ nhìn nghiệp theo hướng nhân quả và mặc định người nghèo, chịu khổ là do lỗi lầm từ muôn lượng kiếp của họ thì quả thật là không công bằng cho họ ở kiếp sống này. Cảm ơn vui vì đọc được những suy nghĩ của bạn ngauthu

        Like

      4. Suy nghĩ của bạn cũng đã tồn tại trong mình từ lâu lắm, và có lẽ trong nhiều người khác nữa. Như khi mình mua 1 tờ vé số cho người già, mình muốn giúp, nhưng lại sinh tâm muốn trúng dù mình không đam mê môn này. Vậy khi mình mua thì mình đang có nhu cầu gì. Người khác giúp đỡ, làm việc thiện là họ đang tư lợi, lợi về tâm thức, hay là không nhu cầu gì cả. Mình đạo Phật nhưng kiến thức mình không nhiều lắm. Mình có những suy nghĩ, đạo Phật là không chấp, bỏ tham bỏ sân bỏ si. Vậy muốn mưu cầu thành Phật vậy có là tham không, dù là tham tốt.

        Like

  8. Cám ơn bạn Phương về review rất tâm huyết, không phải ai cũng có đủ thời gian và dũng khí để đọc hết 900 trang sách có nhiều chi tiết trúc trắc đến như vậy.
    Mặc dù mình không quá quan trọng chi tiết phóng tác hay dịch, tuy nhiên qua những phân tích và nghiên cứu chi tiết của bạn có thể giúp những người đọc có thêm ý thức về phân tích vấn đề và tư duy phản biện khách quan khi tiếp nhận các luồng thông tin một chiều.
    Trân trọng!

    Liked by 1 person

    1. Mình từng gặp vài người, nói cái gì họ cũng lôi những chi tiết trong cuốn này ra để chứng minh rằng những điều họ nói đã được các nhà khoa học công nhận. Mình viết bài này để mọi người biết đây là một cuốn sách hư cấu. Nếu NXB và Nguyên Phong sách nói rõ đây là sách hư cấu thì bao nhiêu người đã ko bị lầm.

      Like

  9. Mình đọc HTVPĐ, ấn phẩm của First New, trên trang bìa gập lại phía trong có ghi rõ Nguyên Phong đã viết phóng tác tác phẩm bất hủ HTVPĐ năm 24 tuổi (1974). Tại sao còn hoài nghi là phóng tác hay dịch?

    Like

    1. Mình xin trích một đoạn trong bài viết của ông Nguyễn Văn Phước (CEO First News):
      […]
      Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách có số phận khá ly kỳ. Trong phần tái bản mới có ghi: “Xuất bản lần đầu ở Ấn Độ năm 1924, “Hành trình về phương Đông” đã gây tranh cãi không chỉ ở nước Anh mà ngay cả ở Châu Âu và Mỹ. Sau đó, vì tự ái và sĩ diện, Chính phủ Anh cấm phát hành cuốn sách này ở Anh Quốc, rồi Chiến tranh Thế giới thứ hai xảy ra, cuốn sách không còn được tái bản nữa và thất lạc”.

      Có người cho rằng, rất có thể, chính Nguyên Phong là tác giả của cuốn sách, đã viết phóng tác theo sự trải nghiệm tiềm thức của mình. Vì một lý do nào đó – ông đã không thừa nhận điều này – rất có thể khi phóng tác còn khá trẻ, mới 24 tuổi, bản chất khiêm nhường, không muốn để tên mình là tác giả mà mượn tên GS Baird T. Spalding và để mình là người dịch. Thế nên mới có sự “biến mất” bí ẩn của tác giả, NXB (đóng cửa) và ngay cả nguyên tác cũng không lưu lại ở bất cứ thư viện lớn nào trên thế giới. (Tôi hoàn toàn đồng cảm và chia sẻ với Giáo sư nếu điều lý giải này là đúng – vì trước đây, khi còn trẻ, khi dịch, biên tập sách, tôi thỉnh thoảng có đưa vào một số câu châm ngôn mình nghĩ ra khá độc đáo, hợp ngữ cảnh nhưng không dám để tên mà đều ghi: “- Khuyết danh”, xin bạn đọc lượng thứ).
      […]
      Link bài viết full: https://www.tramdoc.vn/tin-tuc/bi-an-tac-pham-hanh-trinh-ve-phuong-dong-phan-1-nXj92W.html
      Nghĩa là ban đầu, Nguyên Phong (NP) phóng tác nhưng không dám thừa nhận, người ta truy không ra bản nguyên tác nên dấy lên thắc mắc, đòi cung cấp bản nguyên tác. Thế là ở lần tái bản mới, NP (hoặc NXB) bịa ra chuyện “vì tự ái và sĩ diện, Chính phủ Anh cấm phát hành cuốn sách này ở Anh Quốc” khiến cho nó bị tuyệt bản, NXB bị đóng cửa…

      Sự thật là chẳng có cuốn sách nào của Spalding bị cấm ở Anh cả. Thà rằng NP thừa nhận ngay từ đầu rằng ông đã phóng tác thì đã không cần phải bịa thêm chuyện cuốn sách bị cấm đến mức không tìm lại được bản gốc.

      Mình từng mua cả 3 bản HTVPĐ của First News (bản khổ nhỏ, bản thường, bản bìa cứng) thì cả 3 bản đều không hề có chữ “phóng tác”. Nếu cuốn sách của bạn có ghi rõ Nguyên Phong đã phóng tác tác phẩm HTVPĐ thì nội dung đó mới được thêm vào gần đây.

      Like

      1. Bản thân tôi đồng quan điểm hoàn toàn với bạn . Tôi có quan tâm đến các giáo lí của nhà Phật . Các quan điểm huyền học và quan tâm đến sự thật của thế giới này . Không đạt được đến mức như các nhà tu hành . Nhưng tính cách của tôi ghét sự dối trá mà mình được tiếp cận , bất kể thông tin gì trên mạng khiến tôi cảm thấy sai trái tôi đều dành nhiều thời gian để kiếm tìm các quan điểm , thông tin trên mạng để kiếm tìm sự thật
        Có thể cách hành văn của tôi không được rõ ràng cho lắm nhưng thật sự toii rất biết ơn công sức mà bạn bỏ ra để làm rõ vấn đề này cho tôi . Một người truy cầu sự thật như tôi không hề có khái niệm “ truyền tải sai sự thật mà gọi đó là giúp mọi người hiểu về tâm linh”.
        Như trong phật giái thì giới nói dối là 1 trong 5 giới lớn nhất của nhà phật và hãy tưởng tượng xem nếu luật nhân quả có tồn tại mà đức phật “ nói những lời nói sai sự thật để con người giác ngộ chân lý “ vậy thì theo như luật nhân quả bao trùm tất cả liệu sau này quả mà đức phật gieo trổ ra là lời nói không còn đáng tin nữa . Trồng cây táo được quả táo chứ không thể ra quả bưởi được . Ta đâu thể đạt được chân lý hay sự thật nhờ việc nghe theo những lời nói dối hay bịa đặt
        Chính vì vậy tôi cực bức xúc với những quan điểm như kiểu bịa một câu truyện tâm linh ra để mọi người dễ tiếp cận với tâm linh hơn hay kiểu “ nhét chữ vào mồm phật ( xin lỗi vì nặng lời nhưng đa phần trên facebook đang thịnh hành kiểu viết những thứ mình tâm đắc của mình rồi nhận là phật nói ) :))
        Quay trở lại với vấn đề chính thì tôi đã đọc muôn kiếp nhân sinh và cả hành trình về phương đông . Bản thân tôi không dám tự nhận mình cao siêu về mặt tâm linh nhưng với suy luận logic của con người thì nhưng tác phẩm nói trên của nguyên phong mặc dù nổi tiếng đấy nhưng trong mắt tôi đều là tác phẩm dối trá . Tại sao trong tác phẩm muôn kiếp nhân sinh lại nêu ra các dẫn chứng không có thật ( như viện dẫn lại các việc ông nguyên phong viết về muôn kiếp nhân sinh – mà trong tác phẩm tự nhận là bản gốc không còn , do ông nguyên phong phóng tác :)) nhà xuất bản của mỹ còn phải dịch lại từ bản việt cơ đấy , vậy thì các dẫn chứng , giới thiệu của HTVPD các lần xuất bản trước là lừa đảo người đọc rồi thấy không thể dấu dc rồi ) ngoài ra còn xuất hiện các kiểu nâng cao uy tín người viết một cách thái quá mà nếu bạn đọc qua lời đề tựa bạn sẽ hiểu ý tôi nói , một sự đánh bóng quá giả tạo mà thực chất không thấy đâu . Bỏ qua việc đó thì các cuộc gặp về các nhân vật uy tín như ông phi hành gia hay hoà thượng thánh nghiêm là không thể kiểm chứng . Có thể họ thật sự gặp nhau ( tôi không biết nữa ) nhưng thật sự thì khi nguyên phong nêu ra ví dụ về edgar cayce ( người mà báo chí phương tây quen gọi là kẻ lừa đảo vì toàn đưa ra các phương thuốc chữa trị cho bệnh nhân sau khi bệnh nhân chết rồi) . Việc nguyên phong nói rằng ông edgar đã chữa trị khỏi cho rất nhiều bệnh nhân ( không hề có hồ sơ ghi lại luôn ý ) ngoài ra thì việc QUAN TRỌNG nhất là các tài liệu của edgar đươic các trường đại học y của mỹ nghiệ cứu vì nó giúp ích cho y khoa là sai sự thật 100% vì không có bất cứ thông tin nào tồn tại luôn ý . Nói thật ra ở phương Tây họ coi đó là trò lừa bịp khi mà bạn có thể chữa các loại bệnh bằng các dùng các viên đá . Tất nhiên bố tôi là một nhà tu hành và có thực tập cho biết liệu pháp chữa trị bằng tinh thể đá là có tác dụng nhưng việc nguyên phong nói các trường đại học của mỹ thật sự nghiên cứu vì nó giúp ích cho y khoa là SAI SỰ THẬT hoặc CỐ Ý đánh lận con đen . Ông ta lần này đâu có thể gọi đó là phóng tác quá tay hay tiềm thức sai bảo . Sự thật là thế luôn ý . Tôi biết ở việt nam hay mỹ có một số “ viện nghiên cứu năng lượng như thế “ nhưng đó chỉ là cá biệt và mang tính chất nhóm nhỏ có niềm tin vào phương pháp này nhưng để mà nói đến lợi ích cho “ y khoa “ hay thật sự được khoa học nghiên cứu thì là không có : nếu có trường đại học nghiên cứu thì cũng chỉ để tiêu khiển thôi. Như các bạn biết thì các học vị giáo sư một nghành nghề nào đó ở bên Mỹ đâu thật sự hiếm như vậy . Họ có thể tự phong họ ở một nghành nào đó nhưng không thể thay đổi sự thật là nó đếch giúp gì cho y học ( thực sự chả cứu nổi ai đấy ) và cũng chả được công nhận trừ mấy người cuồng tín . Chưa nói về nền văn minh atlantis hay các thứ mà nguyên phong viết trong truyện . Thật sự nói ra mất lòng nhưng tôi từng lang thang ở mấy cái group thôi miên hồi quy trên mạng và nghiên cứu về vấn đề này ý . Tôi không tin . Tuỳ bạn có thể nghe tôi hay không nhưng tối muốn nói là tôi đã THỰC SỰ đọc rất nhiều và không phải nói dối đâu mà những con người ( giáo sư, nhà văn tự phong ) nói rằng họ đã từng đi đến ai cập hay đi đâu đó nghiên cứu những nền văn minh gì đó . Đã đều bị báo chí bóc phốt hết là lừa đảo ( đâu thể làm giả thủ tục xuất nhập cảnh dc , tra dc hết thôi . Nói dối chỉ lừa người khi sự việc chưa nổi thôi chứ nổi lên nó tra hết ) . Mà nếu có aitin vào những nền văn minh như atlantis đọc được tin của tôi cũng không phải phật lòng . Tôi nói tôi không tin là do đọc tác phẩm của nguyên phong hay những tác giả khác về nó tôi thấy được sự giả dối nên tôi chọn không tin . Thực sự nó giả dối không phải nó phi khoa học ( tôi duy tâm nên không ngại ) mà là do việc nguyên phong hay edgar kể trên đều có nhưng lời nói , lời văn hay hành động không trung thực mà chỉ cần nhìn cũng biết là câu trước đá câu sau . Viết sai sự thật để truyền bá đức tin . Thế thôi
        Văn tôi viết khá dài và dễ gây nản cho người đọc . Cảm ơn các bạn và hoan hỉ nếu bất đồng ý kiến thôi , không sao cả . Nếu các bạn rep comment tôi vẫn sẽ đọc hết của các bạn như một sự tôn trọng dù có thể ta không đồng quan điểm.

        Liked by 1 person

  10. “Họ thi triển những phép thần thông lặp đi lặp lại nhiều lần đến mức tôi không xem đó là điều kỳ diệu nữa: biến ra đồ ăn để nuôi sống phái đoàn trong nhiều ngày, chữa bệnh, cứu sống người sắp chết, biến quần áo cũ thành mới, teleport…); trình bày những lý thuyết vô thưởng vô phạt và lặp đi lặp lại đến nhàm chán như: thượng đế bên trong bạn, hợp nhất với thượng đế, trí tuệ toàn năng… đọc một hồi tôi như bị lạc vào mê cung, chẳng biết mình đang đọc gì, chẳng nhớ mình vừa đọc gì, cứ mơ mơ hồ hồ…” —– Dạ mình cũng có cảm xúc và suy nghĩ như tác giả khi đọc đến những đoạn như này và khiến mình phải ngưng đọc HTTVPD 1 thời gian dài vì đọc là mình không hiểu và đầu bị đau :V

    Like

  11. Đùng kiểu cũng là viết truyện tuy nhiên người viết lại có năng lực tổng hợp, có tư duy logic và đầu óc phân tích hơn, mình chưa đọc nguyên tác nhưng hẳn sẽ kiểu đọc truyện kiều của nguyễn du và nguyên tác của nó. kkk

    Like

Leave a comment