Sách self-help có gì sai?

Nguồn: https://qr.ae/pv9JQu
Người dịch: Thái Đức Phương

Tôi đã đọc sách self-help trong nhiều năm qua, và tôi thừa nhận rằng chúng gây nghiện thật đấy. Nếu tôi tóm tắt mọi thứ được nói đi nói lại trong tất cả các cuốn self-help thì nó sẽ là:

  • Hãy tin tưởng vào bản thân.
  • Tập trung vào thứ anh em muốn.
  • Giữ dáng.
  • Không bao giờ bỏ cuộc.
  • Hãy xem khó khăn là “cơ hội”.
  • Hãy tích cực.

Tôi chỉ kể ra vài điều thôi, nếu anh em muốn thêm chút nữa thì có thể là thiền, tập thể dục, có tầm nhìn… vân vân mây mây….

Nghe có vẻ thú vị nhỉ.

“Wow! Anh ấy đã trở thành CEO chỉ bằng cách làm theo những điều này? Vậy thì tôi cũng có thể mà!”

Nhưng điều đó không xảy ra. Anh em thức dậy chỉ để tắt báo thức rồi ngủ thêm.

Nếu những cuốn self-help có hiệu quả thì những người đọc nó đã thành công hết rồi. Tuy nhiên, tôi biết nhiều người dù chưa đọc sách self-help cũng vẫn thành công và hạnh phúc như thường.

Vậy có vấn đề gì với sách self-help nhỉ?

Chả có vấn đề gì sất.

Thứ có vấn đề là hệ thống niềm tin của ta đây này.

Tác nhân “bên ngoài”, giống như những câu chữ trong những cuốn self-help vậy, chỉ là sự kích thích tạm thời thôi, “cho đến khi và trừ khi” có một cái gì đó thay đổi ở bên trong ta.

Ta định dậy sớm, nhưng ta dậy không nổi. Do niềm tin của ta.

Ta cũng định thiền đấy, nhưng thiền không được. Do niềm tin của ta.

Ta muốn suy nghĩ tích cực lắm, nhưng không tích cực nổi. Do niềm tin của ta.

Bộ não của ta là cỗ máy tính phức tạp nhất từng được biết đến, và nó lập trình cuộc sống của ta. Đầu ra thay đổi chỉ khi chương trình thay đổi.

Do đó, thay vì đọc ngày càng nhiều những cuốn self-help, sẽ tốt hơn nếu ta làm việc dựa trên niềm tin.

Tôi đọc ở đâu đó rằng bầu trời không phải là giới hạn, mà giới hạn là ở niềm tin của ta.


Một chút side-note tào lao từ người dịch bài này:

Anh em muốn dậy sớm mà không dậy nổi. Bỗng một hôm, Bill Gates xuất hiện trước mặt anh em và nói: “Nếu ngày mai cậu dậy vào lúc 5h sáng, tôi sẽ thưởng cho cậu 100.000$.” Chắc chắn ngày hôm sau anh em đã dậy từ lúc 4h sáng rồi, đâu cần phải đọc sách self-help hay đi học những khóa truyền động lực.

Nếu đổi lại, không phải Bill Gates mà là tôi nói với anh em câu trên thì chưa chắc anh em đã chịu dậy sớm, thậm chí anh em còn chửi tôi là thằng khùng. Vì Bill có uy tín hơn tôi, anh em có một niềm tin mãnh liệt rằng Bill không lừa anh em. Vấn đề nằm ở niềm tin!

So với những phần thường mơ hồ nằm ở đâu đó trong tương lai xa xôi, bộ não của chúng ta có xu hướng thích những phần thưởng tức thời hơn, vì thứ đó đáng tin hơn và tạo ra nhiều dopamine trong não.

Những cuốn self-help không hề đưa ra những lời khuyên hay bí quyết gì cao siêu, lạ lùng. Ta hoàn toàn có thể nghe được những lời khuyên ấy từ báo đài, youtube, podcast, thậm chí là từ những người thân trong gia đình. Thế nhưng self-help vẫn gây nghiện. Ta thừa biết làm điều gì sẽ tốt cho ta, chứ không cần phải đọc nhiều cuốn self-help mới biết, nhưng ta cứ trầy trật mãi mà không làm được. Việc nghiện sách self-help, nghiện tham gia các khoá học phát triển bản thân chỉ là một cách tìm kiếm thêm niềm tin để ta chuyển hóa cái điều đang muốn làm thành hành động. Hóa ra niềm tin trong ta quá yếu ớt, thứ ta nghiện không phải là “bí quyết” trong sách self-help, mà chính là “sự kích thích tạm thời” cho niềm tin: sự cổ vũ, truyền động lực.

Những tác giả sách self-help và những diễn giả dạy về thành công biết rõ ta đang nghiện thứ gì, nên họ bán cho ta những nội dung “kích thích tạm thời” để ta nhanh chóng thỏa mãn cơn nghiện. Thứ năng lượng tạm thời này sẽ tuột dần như pin điện thoại sau khi ta hoàn thành khóa học (hay đọc xong một cuốn sách). Ta sẽ tiếp tục cần đọc những cuốn self-help khác và đi học những khóa học khác.

Vậy làm sao để ta thay đổi bên trong để có được một niềm tin mãnh liệt?

Năm 1632, nhà thiên văn học Ga-li-lê lại cho ra đời một cuốn sách lập luận rằng trái đất là một hành tinh quay xung quanh mặt trời. Lập tức, tòa án quyết định cấm cuốn sách ấy và mang Ga-li-lê ra xét xử. Khi đó, nhà bác học đã gần bảy chục tuổi. Bị coi là tội phạm, nhà bác học già buộc phải thề từ bỏ ý kiến cho rằng trái đất quay. Nhưng vừa bước ra khỏi tòa án, ông đã bực tức nói to: “Dù sao trái đất vẫn quay!” Ga-li-lê phải trải qua những năm cuối đời trong cảnh tù đày. Nhưng cuối cùng, lẽ phải đã thắng.

Tại sao niềm tin của Ga-li-lê mãnh liệt đến thế? Niềm tin của ông có phải được kích thích nhờ đọc sách self-help hay nghe một diễn giả nào đó hô hào? Không, niềm tin mãnh liệt ấy xuất phát từ sự chứng nghiệm của chính bản thân ông. Tôi không thể ép anh em tin vào một điều gì đó trái với niềm tin của anh em, cho dù tôi có lấy súng kề vào đầu anh em bắt anh em phải tin. Chính anh em là người chứng nghiệm cho niềm tin của mình và xây dựng cho niềm tin của mình mạnh lên.

Tóm lại: Vấn đề không nằm ở những cuốn self-help có hiệu quả hay không. Vấn đề là niềm tin trong ta có mạnh hay không.

Leave a comment