Chi tiết gây sốc chứng tỏ Hành Trình Về Phương Đông của Nguyên Phong là phóng tác

Sau khi chia sẻ mấy bài nói về tính xác thực của nội dung trong quyển Hành trình về phương Đông (HTVPĐ), tôi nhận được một số lời khuyên lẫn lời chỉ trích, đại ý như sau:

  • Sao bạn không chú ý đến thông điệp của tác giả mà lại quan tâm đến nguồn gốc của tác phẩm? Cái cần chú ý thì không chú ý, lại lo chú ý đâu đâu.
  • Giá trị của một cuốn sách không liên quan đến việc nó là tác phẩm fiction hay non-fiction, miễn là nó hay, nó mang đến nhiều năng lượng và những điều tích cực cho người đọc là được.
  • Đọc sách kiểu “bới lông tìm vết” thì thà là không đọc, người đọc sách nên có tâm rộng mở để tiếp thu những điều mới mẻ, đúng sai là do cảm ngộ của mỗi người vì nó là sách về tâm linh…

Tôi xin giải thích lý do vì sao tôi quan tâm đến tính xác thực của nội dung cuốn sách này.

Thứ nhất: Từ lâu, tôi thích quyển HTVPĐ của Nguyên Phong nên tôi muốn biết rõ cuốn sách mình thích thuộc thể loại gì, nó là tác phẩm dịch hay phóng tác, VÌ TRONG SÁCH KHÔNG GHI RÕ ĐIỀU NÀY. Bởi vậy, từ lâu, người ta mới tranh cãi HTVPĐ là phóng tác hay dịch (có lẽ NXB và Nguyên Phong thích sự mập mờ này nên không giải thích cho thoả đáng?) Tương  tự như việc bạn thích một bài hát, bạn sẽ muốn biết bài này do ai sáng tác, ca sĩ nào hát đầu tiên, ai thể hiện thành công nhất… Tôi thấy đây là một nhu cầu bình thường và chính đáng.

Có một thông tin đăng trên website của First News – Trí Việt như sau:

Riêng với quyển “Hành trình về phương Đông”, có lẽ quyển sách này đã “tự tìm” đến ông khi ông vào thư viện của trường, ngang khu sách tôn giáo thì thấy một quyển sách rơi trên lối đi. Ông nhặt lên, không nhìn xem đó là quyển gì. Đi một vòng quay lại, lại thấy cuốn sách kia rơi trên lối đi, ông nhặt lên và có nhìn xem tên quyển sách trước khi xếp nó vào giá. Đến khi mọi người đã vãn, ông đi lại khu sách cũ, lại thấy quyển sách kia nằm giữa ngay lối đi. Và cuối cùng ông mượn về, đọc một mạch, đọc lại rồi đọc lại. Sau đó, DỊCH quyển sách ấy ra tiếng Việt với tên: “Hành trình về phương Đông” như bạn đọc thấy hiện nay.

Theo tìm hiểu của tôi, Nguyên Phong rất hiếm khi nói về những cuốn sách của mình. Nếu Nguyên Phong thật sự kể ra thông tin trên thì ông đã khẳng định HTVPĐ là tác phẩm DỊCH chứ không phải là phóng tác. Nhưng một chi tiết trong sách cho thấy điều ngược lại. Trong quyển HTVPĐ của Nguyên Phong có đoạn:

Một tờ báo lớn tại Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Thượng đế đã chết!”. Tác giả bài báo công khai thách đố mọi người đưa ra bằng chứng rằng Thượng đế còn sống.

Theo lịch sử ghi nhận, tờ báo lớn tại Hoa Kỳ được nhắc tới ở trên chính là tạp chí Time, số ra ngày 08/04/1966 với một dòng tít rất sốc:

Bản nguyên tác xuất bản năm 1924 không hề có thông tin này, và tác giả của nó – Baird T. Spalding – đã mất năm 1953 thì làm sao thấy được một tờ báo lớn tại Hoa Kỳ viết cái gì vào năm 1966? Chứng tỏ HTVPĐ của Nguyên Phong được viết sau ngày 08/04/1966. Trừ khi Spalding học được thuật xuyên không từ mấy vị chân sư người Ấn!

Từ chi tiết trên, tôi khẳng định 100% HTVPĐ của Nguyên Phong là tác phẩm phóng tác chứ không phải dịch như website của First News đã đưa tin. Mọi người nên chấm dứt sự hoài nghi và tranh cãi ở đây.

Thứ 2: Khi tôi muốn trích dẫn thông tin nào đó hoặc nghe ai trích dẫn thông tin trong một cuốn sách, tôi cần phải biết thông tin ấy có đáng tin cậy hay không. Các tác phẩm phóng tác được liệt vào thể loại fiction (hư cấu). Và việc dẫn chứng thông tin từ một tác phẩm hư cấu để thuyết phục một điều gì đó là khoa học thì rất ngớ ngẩn và buồn cười. VD: tác giả của cuốn sách dưới đây đã trích dẫn thông tin từ một cuốn sách để làm luận cứ, nhưng cô ấy lại không biết thông tin mình trích là từ một cuốn sách hư cấu.

Tại sao chúng ta không hạnh phúc – Phi Tuyết

Tôi từng thấy vài người trích dẫn thông tin trong những cuốn sách “khoác áo khoa học” như: HTVPĐ, Bí Mật Của Nước, Thần Số Học… để thuyết phục người khác rằng một quan niệm tâm linh nào đó của họ đã được “khoa học” chứng minh!!! Bởi vậy, trước khi tin vào những thứ được trích dẫn, tôi cần xác minh cho kỹ thông tin ấy là thật hay nguỵ.

Tóm lại, mỗi người đọc sách có một mối quan tâm riêng, một tiêu chuẩn riêng. Nếu bạn quan tâm đến thông điệp của tác giả, tôi cũng thế, nhưng ngoài ra, tôi còn quan tâm đến những vấn đề khác như:

  • Những quyển sách mang màu sắc khoa học liệu cung cấp thông tin có khoa học? (Nội dung thường nói đến các công trình nghiên cứu, thí nghiệm, có các nhân vật là nhà khoa học).
  • Tác giả có đủ uy tín nói về một lĩnh vực chuyên môn nào đó không? VD một số trường hợp mà theo tôi, tác giả không đủ uy tín lẫn tư cách: tác giả dùng bằng IELTS fake mà lại viết sách dạy người ta luyện IELTS, tác giả giàu lên bằng cách lừa đảo viết sách dạy làm giàu, tác giả học dở viết sách dạy cách học giỏi, tác giả bán thuốc “ba đời” viết sách nói về nguồn gốc vũ trụ, cách vận hành của vũ trụ và tiến đoán về số phận địa cầu…
  • Đạo đức của tác giả có ổn không? Tôi không thích mua sách của những tác giả bị tai tiếng về vấn đề về đạo đức, dù cho quyển sách đó hay cỡ nào đi nữa.

Trong thời đại bội thực thông tin, tôi nghĩ mỗi chúng ta nên trở thành một người tiêu thụ nội dung khó tính, có tiêu chuẩn riêng để lọc ra thứ thông tin nào phù hợp với mình nhất.

Bài liên quan:
👉 7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc 900 trang nguyên tác HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG của Baird T. Spalding
👉 9 câu hỏi về cuộc đời bí ẩn của tác giả cuốn Hành Trình Về Phương Đông


Leave a comment