Từ lâu, tôi đã ít đi làm “từ thiện”

Mấy năm trước, trong bệnh viện đa khoa Sóc Trăng có một khu vực dùng để tập kết quần áo cũ. Ai thừa quần áo thì mang tới đó để. Ai nghèo khổ thiếu quần áo mặc thì cứ vô khu đó mà lựa quần áo cũ đem về. Tôi cũng định mang quần áo cũ của gia đình mình ra đó, nhưng bạn tôi cản. Nó nói khu vực đó đã đầy ắp quần áo vì số lượng cung vượt quá nhu cầu của người nghèo, bây giờ bệnh viện không nhận quần áo nữa.

Vài tháng trước, bạn T muốn mang quà đến xóm tôi phát từ thiện cho những gia đình nghèo. Bạn liên hệ đề nghị tôi dẫn đường. Tôi nói với T:

“Tôi rất sẵn lòng dẫn bạn đi. Nhưng cũng nói trước, xóm tôi có nhiều gia đình nghèo, và tôi biết vì sao họ bị nghèo, đó là: cờ bạc, đề đóm, vé số, rượu chè, lười biếng… Và họ sẽ nghèo bền vững từ năm này qua năm khác để tiếp tục được hưởng chế độ trợ cấp từ nhà nước và quà từ những mạnh thường quân.”

T nghe xong thì quyết định không đến xóm tôi làm từ thiện nữa.

Nhà tôi mua bán gạo, nên chính mắt tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp người nghèo lãnh gạo xong đem bán rẻ để lấy tiền. Bởi thứ họ đang thiếu không phải là gạo, cái khổ họ đang chịu không phải là thiếu ăn, thiếu mặc, mà là thiếu tiền. Đã lâu rồi tôi chưa nghe nói có ai chết vì đói, vì rét cả.

Tôi lấy ví dụ giá 1 ký gạo mua từ nhà máy xay xát là 12k/kg. Người ta lãnh 10 kg gạo xong đi bán lại với giá 10k/kg. Vậy là họ được 100k. Muốn quà từ thiện đỡ “mất giá” thì các mạnh thường quân nên đem quách 120k tiền mặt cho họ trực tiếp có hơn không? Đi mua gạo đóng bao chi cho phiền phức?

Có lần, nhà chùa cho mẹ tôi 3 phiếu gạo từ thiện. Mẹ đem 3 phiếu ấy phát cho 3 hộ nghèo trong xóm, phát xong thì có mấy người tìm đến nhà trách móc một cách giận dữ rằng: “Tôi nghèo hơn, tôi khó khăn hơn, tôi xứng đáng hơn mấy người kia, sao cô không phát phiếu cho tôi?” Phiền não thật!

Giờ nghĩ lại, nếu tôi dẫn bạn T đi vào xóm mình làm từ thiện xong thì không biết sẽ có bao nhiêu người trong xóm căm ghét và oán trách tôi?

Nhiều khi tôi cảm giác làm việc tốt không dễ (vì việc đem cho “cái cần câu” khó gấp trăm lần đem cho “con cá”), không biết điều tốt mình làm sẽ mang lại hậu quả gì. Nếu nó khiến cho người khác lười biếng, ỷ lại, tăng trưởng tâm tham, tâm sân, tâm si, hay tiếp tay cho bọn lừa đảo, ăn chặn… thì việc làm ấy liệu có tốt?

P.S: Tôi không kỳ vọng thế giới này có nhiều người làm điều tốt, bởi điều đó đã xảy ra rồi; ở đâu cũng có camera, có ai mà không muốn làm điều tốt trước camera?


Leave a comment