11 điều rút ra được từ hồi ký của Jane Stork

Link bài viết gốc:
https://www.elle.com/culture/movies-tv/a19862152/jane-stork-memoir-wild-wild-country/

Tác giả: Corinne Cummings
thaiducphuong dịch

Người phụ nữ dịu dàng của Wild Wild Country có đầy những bất ngờ.

Bộ phim tài liệu Wild Wild Wild Country (của đài truyền hình Netflix) rất nổi tiếng vì một phần nó ghi lại một giai đoạn hấp dẫn nhưng bị lãng quên trong lịch sử Hoa Kỳ, một phần vì các nhân vật và những sự kiện diễn ra gần như không thể tin được, có thế nói là… bá đạo. Những việc mà ông Đạo mê xe Rolls Royce – Bhagwan và người phụ nữ cánh tay phải của ông – cô Anand Sheela đã thực hiện có nhiều chi tiết gây sốc. Nhưng những tiết lộ bất ngờ nhất đến từ Jane Stork, một môn đồ trước đây từng được biết đến với cái tên Shanti Bhadra, người lặng lẽ kể lại những âm mưu giết người trên màn hình một cách ngọt ngào như bà của bạn kể chuyện cổ tích vậy. Cô là một trong số ít các tín đồ Rajneesh tham gia vào bộ phim tài liệu này dám thừa nhận sự mất kiểm soát của cộng đồng và trong mục tiêu xây dựng một cộng đồng không tưởng ở Oregon.

Người phụ nữ này đã từ bỏ cuộc sống nội trợ ở Úc để chuyển gia đình đến Ấn Độ, và cuối cùng là công xã Rajneeshpuram ở Oregon. Cô đã viết một cuốn hồi ký vào năm 2009. Dưới đây là 11 điều chúng ta rút ra được từ quyển “Breaking the Spell: My Life as a Rajneeshee and the Long Journey Back to Freedom” (tạm dịch: “Phá vỡ bùa mê: cuộc sống tín đồ Rajneesh của tôi và hành trình dài trở về tự do”).

1. Cô lớn lên trong một gia đình gắn bó ở Tây Úc.

Stork là cô gái nhỏ nhất trong gia đình có bốn chị em gái và một em trai, John. Trong hồi ký của mình, cô mô tả cảm giác bị bỏ rơi khi gia đình chia cắt sau khi chị gái Rosemary của cô trải qua bốn tháng hôn mê, được chẩn đoán là bị viêm màng não do lao. “Trong thời gian ấy, nỗi thương tiếc của tôi chuyển sang giận dữ khi tôi dần dần đi đến kết luận rằng gia đình tôi đã không còn thương tôi nữa” Stork viết. Cô được gửi đến sống với dì và chú của mình. Stork coi đó là bước ngoặt của thời thơ ấu.

2. Cô được nuôi dạy như một người Công giáo.

Stork đã gặp chồng cũ của mình, Roger, tại Đại học Tây Úc, nơi cô cũng học ở đó. Họ đã đính hôn và cưới nhau khi cô mới 21 tuổi. Vài năm sau họ có đứa con đầu lòng, Peter, và sau đó là một cô con gái, Kylie. Stork và chồng đã gặp khó khăn trong việc thấu hiểu nhau và lờ đi vấn đề của họ, điều mà cô cho là do quá khứ gia đình của mình: “Thái độ của tôi đối với sự tức giận gần như chắc chắn bắt nguồn từ cha tôi và tệ hơn là bị ép buộc bởi sự giáo dục Công giáo.”

Khi cô bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ của một nhà tâm lý để đối phó với sự tức giận và nỗi bất hạnh của mình trong hôn nhân, ông ta đề nghị cô học thiền. Điều đó dẫn cô đến với giáo lý của Bhagwan Shree Rajneesh, và cuối cùng cô đã nộp đơn xin trở thành một môn đồ. “Tất cả mọi thứ [Bhagwan] nói đều hợp lý,” cô giải thích. Nó giống như một luồng sinh khí trong lành sau khi bị giam hãm trong học thuyết Công giáo. Cô đã được chấp nhận và đặt tên là Ma Shanti Bhadra.

3. Sau chuyến thăm đạo viện của Bhagwan ở Ấn Độ, Stork và chồng quyết định ở lại.

Stork và chồng đã có một kỳ nghỉ dài một tháng để đến thăm đạo viện của Bhagwan ở Pune, Ấn Độ, sau khi thấy kết quả tốt từ thiền định thường xuyên cùng nhóm. Khi Stork gặp Bhagwan, ông bảo cô về quê đưa con cái đến Ấn Độ. “Tôi suýt ngất đi”, Stork viết. “Một lời mời cá nhân từ sư phụ muốn cô đến sống trong đạo viện của ngài! Từ lúc đó, tôi chỉ có một mục tiêu trong cuộc sống. Để lại mọi thứ phía sau và quay lại sống gần Bhagwan.” Họ rời bỏ cuộc sống ở ngoại ô Australia và chuyển đi, với Peter 10 tuổi và Kylie 8 tuổi.

4. Các vấn đề sức khỏe đã gây phiền toái cho Stork và gia đình cô.

Khi đến đạo viện ở Ấn Độ, Roger mắc phải bệnh mụn rộp sinh dục và bệnh lỵ amip, còn Stork phải chịu đựng nhiều tháng bị viêm phế quản mãn tính. “Khuẩn amip, ký sinh trùng giardia, và chấy rận là những điều khó chịu liên tục thách thức chúng tôi” cô viết. Roger và Peter cũng bị nhiễm viêm gan, và các vấn đề về tiêu hóa đã làm khổ cả gia đình trong suốt thời gian họ ở đó.

5. Trẻ em trong đạo viện hầu hết không được người lớn giám sát.

“Những đứa trẻ khá là tự do”, Stork viết. Có một trường học trong đạo viện, nhưng những đứa trẻ được tự do đi học khi chúng cảm thấy thích. Một cái nhà tạm bằng tre được cất cho những đứa trẻ trong đạo viện tới ở. “Những chiếc giường hai tầng với hai cái kệ nhỏ để đồ được lắp trên các bức tường bao quanh,” cô viết, “để lại một không gian rộng ở giữa để chơi”. Hầu hết các ngày, chúng chọn chơi với những đứa trẻ khác hoặc đi khám phá chỗ này chỗ kia. Trong hai năm sau khi chuyển đến Ấn Độ, Peter và Kylie được chuyển từ căn hộ gia đình để vào túp lều trẻ em, nơi có giường ngủ và không có sự giám sát của cha mẹ.

6. Stork thường phớt lờ trực giác về sự nghi ngờ để tham gia vào cộng đồng các môn đồ.

Khi gia đình họ lần đầu tiên quyết định chuyển đến Ấn Độ, Stork đã 34 tuổi. “Tôi lo lắng về việc gì tôi đang làm”, cô viết. “Tôi sẽ rất xấu hổ và bẽ mặt khi trở về với gia đình và bạn bè mà tôi vừa nói lời tạm biệt”. Tuy nhiên, cô đã vượt qua những những nghi ngờ: “Mặc dù tôi quyết tâm trở thành một môn đồ tốt và một đệ tử tận tụy, những nghi ngờ về Bhagwan trong tôi cứ tiếp tục tái diễn”.

7. Stork nói rằng triệt sản và bệnh hoa liễu là phổ biến.

Bhagwan khuyến khích các môn đồ khám phá bản năng tình dục của họ, và ông được biết đến trên toàn thế giới với cái tên “Đạo sư tình dục”. Một số khẳng định mạnh bạo của Stork liên quan đến đời sống tình dục của cư dân ashram; ví dụ, vào thời điểm mà 87% dân số ashram mắc bệnh hoa liễu, thì Stork tuyên bố, “Tôi là một trong số 13% không mắc bệnh”. Stork cũng khẳng định rằng “Triệt sản trở nên phổ biến đã được thực hiện đồng loạt ở đạo viện” và cô không nhớ có đứa trẻ nào được sinh ra tại đạo viện trong thời gian ở đó. Cô tuyên bố rằng cô cũng đã được triệt sản. Sau đó, cô nhớ lại rằng cư dân quanh vùng Antelope, Oregon đã lan truyền tin đồn rằng người trong công xã đã ăn thịt trẻ con.

8. Stork được mệnh danh là tay thiện xạ giỏi nhất của Sheela.

Stork được chọn tham gia một nhóm vũ trang được đào tạo bởi hai cựu thành viên của lực lượng vũ trang Nam Phi để bảo vệ Bhagwan. “Chúng tôi được dạy để hiểu rằng có khả năng INS sẽ thực hiện một cuộc đột kích để bắt Bhagwan đi”, cô kể. Họ được trang bị súng lục ổ quay và Uzis. “Tôi có lợi thế là quen với việc sử dụng súng”, cô viết, “việc đó khiến Sheela khoe khoang rằng tôi là tay thiện xạ nhất của họ”.

9. Đến năm 1983, Stork và chồng đã ly hôn.

“Vào năm 1983, tôi được khuyên rằng Roger và tôi nên ly hôn và tìm một người phối ngẫu quốc tịch Mỹ để kết hôn,” Stork kể. Sau khi chuyển đến Oregon, một số môn đồ Mỹ đã kết hôn với các môn đồ nước ngoài cần thị thực ở lại Hoa Kỳ. Stork đã kết hôn với một người đàn ông khác trong công xã, họ cũng đã nhận nuôi Peter và Kylie, để có thêm sức thuyết phục vào đơn xin thị thực của họ.

10. Chính Tổng chưởng lý Hoa Kỳ, người mà Stork từng âm mưu ám sát, đã cho phép cô đến thăm đứa con trai đang hấp hối của mình sau gần 20 không gặp.

Stork và Sheela đã trốn khỏi công xã và sống ở Đức sau khi cố ám sát bác sĩ riêng của Bhagwan. Cuối cùng, Stork quay trở lại Hoa Kỳ và bị kết án 10 năm tù năm 1985. Cô thụ án chưa đầy 3 năm và quay lại Đức năm 1989, nhưng cuối cùng bị buộc tội âm mưu ám sát Charles Turner. Turner chấp thuận lệnh bắt giữ Stork được dỡ bỏ để cô có thể đi từ Đức đến Úc sau khi con trai cô được chẩn đoán bị u não vào năm 2005, và cũng đồng ý rằng cô sẽ bị tù treo thay vì phải ngồi tù tiếp tục. Sau đó, cô đã có thể ở với con trai Peter khi anh ta chết.

11. Cuối cùng, cô từ bỏ tín đồ Rajneesh.

Nhiều môn đồ cũ vẫn tiếp tục theo Bhagwan sau khi ông về Ấn Độ và đổi tên thành Osho. Tuy nhiên, Stork đã mất nhiều năm để cố ngộ ra được làm thế nào mà cô bị đẩy vào cảnh bỏ rơi gia đình mình và gần như phạm tội giết người. Sau nhiều năm, cuối cùng cô đã trở về được con người thật của chính mình và từ bỏ sự liên quan của mình với tín đồ Rajneesh.

Leave a comment